Giỏ hàng

Cách khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt

Khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt là trường hợp được cấn trừ với số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp trước đó. Trường hợp này giống với trường hợp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Điều này được giải thích như sau:

Khi doanh nghiệp của bạn mua hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng đơn vị bạn không tiêu dùng sản phẩm này mà dùng những hàng hóa mua này để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mới. Nếu tiếp tục đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp của bạn sẽ đóng trùng (người tiêu dùng khi đó cũng chịu thuế 2 lần) là điều không hợp lý vì vậy doanh nghiệp của bạn phải được khấu trừ lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã đóng cho lượng hàng mua vào kia.

Cách tính khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt

Sau đây kế toán Ytho xin gởi đến các bạn các trường hợp được khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt

 1. Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bằng các nguyên liệu chịu thuế TTĐB được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế TTĐB phải nộp. Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa bán ra. Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong kỳ thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Đối với xăng sinh học, số thuế TTĐB được khấu trừ của kỳ khai thuế được căn cứ vào số thuế TTĐB đã nộp hoặc đã trả trên một đơn vị nguyên liệu mua vào của kỳ khai thuế trước liền kề của xăng khoáng để sản xuất xăng sinh học.

Ví dụ 11: Trong tháng 10, Tập đoàn AB nhập khẩu 5.000 lít xăng khoáng Ron 92 với số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu là 5.000.000 đồng và mua của nhà máy lọc dầu D 3.000 lít xăng khoáng Ron 92 với số thuế TTĐB đã trả là 3.300.000 đồng, thực hiện pha chế giữa xăng khoáng và Etanol để nhập kho 2.000 lít xăng E5.

Trong tháng 11, Tập đoàn AB bán xăng E5 cho các Công ty con, sản lượng xuất bán là 1.000 lít.

Tỷ lệ xăng khoáng Ron 92 trong xăng sinh học là 95,06%, tỷ lệ Etanol trong xăng sinh học là 4,94%).

Số thuế TTĐB được khấu trừ trong tháng 11 tính như sau :

(5.000.000 đồng + 3.300.000 đồng)/8.000 lít x 95,06% x 1.000 lít = 986.247 đồng.

Tương tự trong tháng 12, Tập đoàn AB bán xăng E5 từ nguồn pha chế của tháng 10 và tháng 11 thì số thuế TTĐB được khấu trừ cũng căn cứ vào số thuế TTĐB đã nộp, đã trả của nguyên liệu xăng khoáng nhập khẩu, mua của nhà máy lọc dầu D trong tháng 11 áp dụng cho toàn bộ lượng xăng sinh học bán trong tháng 12.

2. Người nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu (trừ xăng các loại) được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước. Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu bán ra và chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế TTĐB tính được ở khâu bán ra trong nước. Trường hợp đặc biệt đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ hết do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều kiện khấu trừ thuế TTĐB được quy định như sau:

– Đối với trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất hàng hoá chịu thuế TTĐB và trường hợp nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB thì chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là chứng từ nộp thuế TTĐB khâu nhập khẩu.

– Đối với trường hợp mua nguyên liệu trực tiếp của nhà sản xuất trong nước:

+ Hợp đồng mua bán hàng hoá, trong hợp đồng phải có nội dung thể hiện hàng hóa do cơ sở bán hàng trực tiếp sản xuất; Bản sao Giấy chứng nhận kinh doanh của cơ sở bán hàng (có chữ ký, đóng dấu của cơ sở bán hàng).

+ Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

+ Chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là hoá đơn GTGT khi mua hàng. Số thuế TTĐB mà đơn vị mua hàng đã trả khi mua nguyên liệu được xác định = giá tính thuế TTĐB nhân (x) thuế suất thuế TTĐB; trong đó:

Giá tính thuế TTĐB

 

 

=

Giá mua chưa có thuế GTGT (thể hiện trên hóa đơn GTGT)Thuế bảo vệ môi trường
(nếu có)
1 + Thuế suất thuế TTĐB

Việc khấu trừ tiền thuế TTĐB được thực hiện khi kê khai thuế TTĐB, thuế TTĐB phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số thuế TTĐB phải nộp=Số thuế TTĐB của hàng hoá chịu thuế TTĐB được bán ra trong kỳ.Số thuế TTĐB đã nộp đối với hàng hóa, nguyên liệu ở khâu nhập khẩu hoặc số thuế TTĐB đã trả ở khâu nguyên liệu mua vào tương ứng với số hàng hoá được bán ra trong kỳ.

Trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp (hoặc đã trả) cho số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tính số thuế TTĐB được khấu trừ và sẽ xác định theo số thực tế vào cuối quý, cuối năm. Trong mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm. Cơ sở sản xuất phải đăng ký định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.

Ví dụ 12: Trong kỳ kê khai thuế, cơ sở A phát sinh các nghiệp vụ sau:

+ Nhập khẩu 10.000 lít rượu nước, đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu 250 triệu đồng (căn cứ biên lai nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu).

+ Xuất kho 8.000 lít để sản xuất 12.000 chai rượu.

+ Xuất bán 9.000 chai rượu, số thuế TTĐB phát sinh khi xuất bán của 9.000 chai rượu xuất bán là 350 triệu đồng.

+ Số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu nước rượu phân bổ cho 9.000 chai rượu đã bán ra là 150 triệu đồng.

Số thuế TTĐB cơ sở A phải nộp trong kỳ là:

350 triệu đồng – 150 triệu đồng = 200 triệu đồng.

Ví dụ 13: Trong kỳ kê khai thuế, cơ sở B phát sinh các nghiệp vụ sau:

+ Nhập khẩu 100 máy điều hòa nhiệt độ A công suất 12.000 BTU, đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu 100 triệu đồng (căn cứ biên lai nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu).

+ Xuất bán 100 máy điều hòa nhiệt độ, số thuế TTĐB phát sinh khi bán ra trong nước là 120 triệu đồng.

Số thuế TTĐB cơ sở B phải nộp trong kỳ là:

120 triệu đồng – 100 triệu đồng = 20 triệu đồng.

Ví dụ 14: Trong kỳ kê khai thuế, cơ sở B phát sinh các nghiệp vụ sau:

+ Nhập khẩu 100 máy điều hòa nhiệt độ X công suất 12.000 BTU, đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu 100 triệu đồng (căn cứ biên lai nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu).

+ Xuất bán 100 máy điều hòa nhiệt độ, vì lý do khách quan bất khả kháng, số thuế TTĐB phát sinh khi xuất bán 100 máy điều hòa nhiệt độ là 90 triệu đồng.

Cơ sở B được khấu trừ số thuế TTĐB là 90 triệu đồng. Đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ (10 triệu đồng), cơ sở B được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp được phép sản xuất xăng E5, E10, việc kê khai nộp thuế, khấu trừ thuế TTĐB được thực hiện tại cơ quan thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong kỳ của xăng E5, E10 được bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khác.

Người nộp thuế TTĐB thực hiện nộp Tờ khai thuế TTĐB theo Mẫu số 01/TTĐB và Bảng xác định thuế TTĐB được khấu trừ (nếu có) của nguyên liệu mua vào, hàng hóa nhập khẩu (Mẫu số 01-1/TTĐB) được ban hành kèm theo Thông tư 195/2015/TT-BTC.

Hạch toán khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt

Hạch toán khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt

Mua hàng:

Khi nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, kế toán căn cứ vào hoá đơn mua hàng nhập khẩu và thông báo nộp thuế của cơ quan có thẩm quyền, xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của hàng nhập khẩu, ghi:

Nợ các TK 152, 156, 211, 611,…

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Khi nộp tiền thuế tiêu thụ đặc biệt vào Ngân sách Nhà nước, ghi:

Nợ TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt

Có các TK 111, 112.

Bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ của hàng đã mua chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

+ Trường hợp tách ngay được thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.

+ Trường hợp không tách ngay được thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt. Định kỳ khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, kế toán ghi giảm doanh thu, ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sau đó cấn trừ số thuế đầu ra với số thuế đã nộp khi mua hàng của chính hàng bán ra này

+ Nếu phát sinh số thuế phải nộp thì đóng thêm (số chênh lệch)

                        Nợ 3332 (số chênh lệch)

                                                        Có 111,112 (số chênh lệch)

+  Nếu không phát sinh số thuế phải nộp thì để được khấu trừ vào kỳ sau.

Kế toán Ytho đã gởi đến bạn cách khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt và cách hạch toán khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu bạn có vướng mắc về bài học cách khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt vui lòng để lại bình luận để mọi người cùng tham khảo.