Giỏ hàng

Cách tính chế độ thai sản mới nhất

Cách tính chế độ thai sản mới nhất là bài viết hướng dẫn về số tiền nhận được khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sinh con.
Hiện nay chế độ thai sản là một trong những chế độ thường xảy ra ở các doanh nghiệp có sử dụng lao động nữ, đối với người lao động nữ thì chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội có rất nhiều bổ ích, đảm bảo quyền lợi của lao động nữ. Tuy nhiên trong thực tế thì có rất ít người lao động có thể tính được số tiền mình hưởng từ chế độ thai sản.

Cách tính chế độ thai sản mới nhất

Sau đây kế toán YTHO xin gởi đến các bạn: Cách tính chế độ thai sản mới nhất

Quy định hưởng chế độ thai sản

I- ĐIỀU HIỆN HƯỞNG:

Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Lao động nữ mang thai;
+ Lao động nữ sinh con;
+ Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
+ Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
+ Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
+ Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

* Lưu ý:

a. Lao động nữ sinh con, mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b. Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
c. Trường hợp người lao động đáp ứng 2 điều kiện a và b chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.

Ví dụ:

Chị A sinh con vào ngày 17/01/2016. Trong thời hạn 12 tháng trước khi sinh con là trong giai đoạn 17/01/2015 – 17/01/2016 Chị A có tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 03 tháng trở lên trong trường hợp mang thai phải nghỉ việc. Tại thời điểm 17/01/2016 chị A có tham gia bảo hiểm thì chị A được hưởng thai sản.

II- QUYỀN LỢI ĐƯỢC HƯỞNG:

1- Thời gian hưởng:

1.1- Khám thai (tính theo ngày làm việc, nếu ngày nghỉ trùng vào các ngày nghỉ hàng tuần, lễ, Tết thì không được tính hưởng trợ cấp):

– Tối đa 5 lần trong một thai kỳ.
– Mỗi lần khám: Nghỉ 1 ngày (hoặc 2 ngày nếu thai bệnh lý hoặc cơ sở khám chữa bệnh ở xa).

1.2- Sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu (tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần)

 – 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
–  20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
–  40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
–  50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

1.3- Thực hiện các biện pháp tránh thai: (tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần):

– Đặt vòng: nghỉ 7 ngày.
– Triệt sản (cả nam/nữ): nghỉ 15 ngày.

1.4- Khi sinh con: (tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần):

Lao động nữ

– Nghỉ hưởng chế độ thai sản 6 tháng.
– Trường hợp sinh đôi trở lên, từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

  •  05 ngày làm việc
  •  07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
  • Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
  • Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
    Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

1.4.1- Sau khi sinh, con chết:

– Nghỉ 4 tháng kể từ ngày sinh, nếu con chết dưới 2 tháng tuổi;
– Nghỉ 2 tháng kể từ ngày con chết, nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên.

* Lưu ý: Trong mọi trường hợp, thời gian nghỉ không vượt quá thời gian nghỉ sinh con theo quy định.

1.5- Nhận nuôi con nuôi:

– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được nghỉ việc hưởng chế độ trợ cấp thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi
– Số ngày nghỉ nhận nuôi con nuôi tính từ ngày có giấy chứng nhận nuôi con nuôi của cấp thẩm quyền cho đến khi con đủ số tháng theo quy định.

2- Mức hưởng:

– Mức trợ cấp bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
– Nếu đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng khi khám thai, sảy thai, nạo hút thai hoặc thai chết lưu, thực hiện KHH dân số là mức bình quân tiền lương, tiền công của các tháng đã đóng BHXH.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH, thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

3- Trợ cấp một lần: khi lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi: Bằng 2 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

4- Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con:

Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con:
– Sau khi sinh con đã nghỉ ít nhất được 04 tháng;
– Có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
– Được người sử dụng lao động đồng ý.
Ngoài tiền lương, tiền công của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng chế độ thai sản cho đến hết thời hạn theo quy định.

III- THỦ TỤC HỒ SƠ:

Người lao động khi sinh con xong thì cần chuẩn bị giấy chứng sinh có xác nhận của bệnh viện bản gốc
Các thủ tục còn lại để doanh nghiệp làm việc xử lý.

Nguồn: BHXH TPHCM

Ví dụ: Cách tính số tiền nhận được từ chế độ thai sản dành cho lao động nữ.

Chị M làm việc tại công ty An Phát được 3 năm, công ty An Phát có tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho chị M. Trong 6 tháng cuối năm 2016, mức lương đóng bảo hiểm xã hội của chị M là: 3 800 000 VNĐ, sang tháng 1 năm 2017 số tiền đóng BHXH của chị M tăng lên 4 500 000 VNĐ

Vào ngày 20/01/2017 Chị M sinh 1 con, chế độ sinh thường. Kế toán An báo giảm chị M từ tháng 2/2017 và làm thủ tục thai sản cho chị M . Tham khảo hướng dẫn khai BHXH điện tử 

Tính số tiền chị M nhận được như sau:

Mức lương trung bình hàng tháng chị M nhận được trong vòng 6 tháng sau khi sinh con như sau:
(3 800 000 x 5 + 4 500 000)/6 = 3 916 667 VNĐ

Trợ cấp 1 lần khi sinh con:

Mức lương cơ sở hưởng trợ cấp vào tháng 1/2017 là 1 210 000 (theo nghị định 47/2016/NĐ-CP) Tổng số tiền trợ cấp là 1 210 000 x 2 = 2 420 000 VNĐ

Vậy tổng số tiền nhận được nếu trong thời kỳ mang thai chị M không đi khám thai là :

3 916 667 x 6 + 2 420 000 = 25 920 002 VNĐ

Lưu ý: Sau ngày 01/07/2017 mức lương cơ sở tăng lên 1 300 000 VNĐ theo quy định tại nghị định 47/2017/NĐ-CP do đó bạn phải cập nhật lại số tiền nếu sinh con sau ngày 1/7/2017 nhé

 

Nếu số tiền bạn nhận được không bằng số tiền trên thì hãy liên hệ cơ quan bảo hiểm để hỏi lý do nhé.

Trên đây là cách tính chế độ thai sản mới nhất mà kế toán YTHO gởi đến các bạn. Các bạn có thêm những thắc mắc về cách tính chế độ thai sản mới nhất vui lòng để lại bình luận cho chúng tôi nhé.

Tham khảo:

 Thời hạn nộp hồ sơ chế độ thai sản

 Khóa học kế toán tổng hợp thực hành