Giỏ hàng

Chế độ lương hưu mới nhất

Chế độ lương hưu mới nhất là chúng tôi sẽ cập nhật những quy định mới nhất về chế độ lương hưu cho tất cả các bạn, đặc biệt là những người nằm trong diện được hưởng lương hưu cũng như những bạn tìm hiểu về kế toán cần kiến thức để tư vấn về chế độ lương hưu cho mọi người.
Chế độ lương hưu đánh dấu sự thay đổi khi có sự thay đổi và ra đời của bộ luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ năm 2016. Ở góc độ người viết bài chúng tôi không đánh giá về sự hợp lý của việc quy định tính lương hưu, những người lao động hãy trải nghiệm và tự cảm nhận nhé.

Chế độ lương hưu mới nhất

Sau đây kế toán Ytho xin gởi đến các bạn: Chế độ lương hưu mới nhất

I. Điều kiện được hưởng lương hưu

1. Đối tượng là người lao động, là công dân Việt Nam bao gồm:

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
+ Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Những đối tượng này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

2. Người lao động là công dân Việt Nam bao gồm:

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

Những đối tượng này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật công an nhân dân, Luật cơ yếu có quy định khác;
b) Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

II. Mức lương hưu hằng tháng được hưởng như sau:

1. Từ ngày 01/01/2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội,tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định bằng mức lương cơ sở

Chế độ lương hưu mới nhất

III. Đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn

Tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.
đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.

IV. Đối với đối tượng suy giảm khả năng lao động

1. Đối với các đối tượng ở điểm 1 mục I và mục III khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
2. Đối với các đối tượng ở điểm 2 mục I khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
2. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng này được tính như mục II, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

V. Cách tính lương trung bình để tính lương hưu

Theo điều 62 luật BHXH 2016:

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
a) Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
c) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
d) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
đ) Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
e) Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
g) Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

VI. Ví dụ

Ông Nguyễn Văn Yêu không bị mất sức lao động làm công nhân tại công ty TNHH XYZ đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/1994. Đến ngày 31/12/2016 Ông Yêu đã tròn 60 tuổi và nằm trong chế độ đủ điều kiện được hưởng lương hưu. Vì cảm thấy tuổi già yếu ớt không đủ sức làm việc tiếp vào ngày 31/12/2016 ông Yêu xin nghỉ hữu để được hưởng tuổi già.
Quá trình đóng bảo hiểm của ông Yêu trong 6 năm cuối bên dưới như sau:
Năm 2010: Đóng bảo hiểm hàng tháng trên mức lương là 2 500 000
Năm 2011: Đóng bảo hiểm hàng tháng trên mức lương là 2 600 000
Năm 2012: Đóng bảo hiểm hàng tháng trên mức lương là 2 700 000
Năm 2013: Đóng bảo hiểm hàng tháng trên mức lương là 3 000 000
Năm 2014: Đóng bảo hiểm hàng tháng trên mức lương là 3 200 000
Năm 2015: Đóng bảo hiểm hàng tháng trên mức lương là 3 400 000
Năm 2016: Đóng bảo hiểm hàng tháng trên mức lương là 7 000 000
Vì mức lương đóng hàng tháng giống nhau trong một năm nên mức lương đóng hàng tháng cũng được xem là mức lương bình quân của năm.
Vì ông Yêu tham gia bảo hiểm từ ngày 01/01/1994 nên số tiền lương tính lương hưu của ông Yêu là bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Khi đó: Số tiền lương bình quân 5 năm cuối = (2 700 000 + 3 000 000 + 3 200 000 + 3 400 000 + 7 000 000)/5 = 3 860 000 VNĐ

Vào ngày 31/12/2016 ông Yêu nghỉ hưu khi đó Ông Yêu đã đóng bảo hiểm được 23 năm.
Mức hưởng tính như sau:
45 % tương ứng là 15 năm. Ông Yêu là nam nên mỗi năm tăng thêm cộng thêm 2%
23 năm mức hưởng là 61%

Vào năm 2017 số tiền ông Yêu được nhận hàng tháng trong năm 2017 là
3 860 000 x 61% = 2 354 600 VNĐ
Ngoài ra theo theo Điều 57. Điều chỉnh lương hưu
“Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.”
Do đó mức lương hưu mà bạn được hưởng sẽ thường cao hơn mức lương tính ở trên đối với những người có lương thấp. Cụ thể điều chỉnh như thế nào thì tùy thuộc vào nhà nước nha các bạn. Các bạn yên tâm một điều là việc điều chỉnh sẽ mang đến cho bạn một mức lương đủ để sống tốt.

Bảo hiểm xã hội sẽ nuôi các bạn đến cuối đời và bạn sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ đến cuối đời của bảo hiểm xã hội nhé. Trong thời gian hưởng lương hưu thì bạn không phải đóng thêm khoản nào cho bảo hiểm xã hội cả.

 

Kế toán Ytho đã gởi đến bạn chế độ lương hưu mới nhất. Các bạn có thắc mắc về chế độ lương hưu mới nhất vui lòng để lại bình luận để mọi người cùng tham khảo nhé.

Tham khảo:  Cách tính bảo hiểm xã hội một lần mới nhất