Giỏ hàng

Chứng từ kế toán (tiếp)

Còn 2 bài giảng về chứng từ kế toán nữa nha, bài này và một bài nữa.

4. Tính chất pháp lí của chứng từ
Thông qua việc lập chứng từ kế toán mà kiểm tra tính hợp pháp, hợp lí của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Thông qua chứng từ mà phát hiện những vi phạm chính sách, thể lệ, chế độ của Nhà nước, những hành vi tham ô, lãng phí tài sản để từ đó có thể ngăn chặn kịp thời. Chứng từ kế toán là căn cứ pháp lý cho các số liệu ghi trong sổ kế toán và cho các thông tin kinh tế của doanh nghiệp.
Chứng từ kế toán là cơ sở để xác định người chịu trách nhiệm vật chất có liên quan đến các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong chứng từ. Nó cũng là cơ sở để kiểm tra ý thức chấp hành chính sách, mệnh lệnh sản xuất kinh doanh. Đồng thời là căn cứ pháp lí để cơ quan pháp luật giải quyết mọi sự tranh chấp, khiếu tố.
5. Phân loại chứng từ
5.1. Phân loại chứng từ theo nội dung kinh tế của nghiệp vụ
Theo cách phân loại này, hệ thống chứng từ kế toán gồm 5 chỉ tiêu:
– Chỉ tiêu lao động tiền lương.
– Chỉ tiêu hàng tồn kho.
– Chỉ tiêu bán hàng.
– Chỉ tiêu tiền mặt.
– Chỉ tiêu tài sản cố định
5.2. Phân loại theo công dụng của chứng từ
– Chứng từ mệnh lệnh: là những chứng từ dùng để truyền đạt mệnh lệnh của các cấp lãnh đạo đến những người thực hiện. Loại chứng từ này không được dùng làm căn cứ ghi sổ kế toán.
– Chứng từ chấp hành: là loại chứng từ xác minh mệnh lệnh đã được thi hành hoặc nghiệp vụ kinh tế đã hoàn thành. Chứng từ này được dùng làm căn cứ cho việc ghi sổ kế toán.
– Chứng từ thủ tục kế toán: là những chứng từ dùng để tổng hợp phân loại các nghiệp vụ kinh tế có liên quan làm cơ sở cho việc ghi sổ kế toán.
– Chứng từ liên hợp: là loại chứng từ kết hợp nhiều công dụng trên một chứng từ.
5.3.Phân loại theo qui định của nhà nước:
-Chứng từ kế toán thống nhất bắt buộc : Bao gồm những chứng từ được tiêu chuẩn hóa về quy cách, biểu mẫu, hệ thống các chỉ tiêu và phương pháp lập chứng từ. Những chứng từ này dùng để phản ánh quan hệ kinh tế giữa các pháp nhân có những nội dung cần quản lí và kiểm tra chặt chẽ. Loại chứng từ này được nhà nước quy định thống nhất.
-Chứng từ kế toán hướng dẫn: Bao gồm những chứng từ được sử dụng trong nội bộ đơn vị, phục vụ cho yêu cầu hạch toán thông tin nội bộ. Nhà nước chỉ hướng dẫn các chỉ tiêu quan trọng có tính chất đặc trưng để các ngành, các thành phần kinh tế trên cơ sở đó vận dụng vào từng trường hợp cụ thể, thích hợp. Các ngành, các lĩnh vực có thể thêm bớt một số chỉ tiêu đặc thù hoặc thay đổi thiết kế biểu mẫu cho thích hợp với yêu cầu và nội dung phản ảnh nhưng phải bảo đảm những yếu tố cơ bản của chứng từ.

6. Lập chứng từ kế toán
Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đều phải lập chứng từ kế toán.Chứng từ kế toán chỉ lập một lần cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
Nội dung chứng từ kế toán phải đầy đủ các chỉ tiêu, phải rõ ràng, trung thực với nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Chữ viết trên chứng từ phải rõ ràng, không tẩy xoá, không viết tắt. Số tiền viết bằng chữ phải khớp, đúng với số tiền viết bằng số.
Chứng từ kế toán phải được lập đủ số liên theo quy định cho mỗi chứng từ. Đối với chứng từ lập nhiều liên phải được lập một lần cho tất cả các liên theo cùng một nội dung bằng máy tính, máy chữ hoặc viết lồng bằng giấy than. Trường hợp đặc biệt phải lập nhiều liên nhưng không thể viết một lần tất cả các liên chứng từ thì có thể viết hai lần nhưng phải đảm bảo thống nhất nội dung và tính pháp lý của tất cả các liên chứng từ.
Các chứng từ kế toán được lập bằng máy vi tính phải đảm bảo nội dung quy định cho chứng từ kế toán.
7. Ký chứng từ kế toán
Mọi chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ mới có giá trị thực hiện. Riêng chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật. Tất cả các chữ ký trên chứng từ kế toán đều phải ký bằng bút bi hoặc bút mực, không được ký bằng mực đỏ, bằng bút chì, chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền phải ký theo từng liên. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất và phải giống với chữ ký đã đăng ký theo quy định, trường hợp không đăng ký chữ ký thì chữ ký lần sau phải khớp với chữ ký các lần trước đó.
Các doanh nghiệp chưa có chức danh kế toán trưởng thì phải cử người phụ trách kế toán để giao dịch với khách hàng, ngân hàng, chữ ký kế toán trưởng được thay bằng chữ ký của người phụ trách kế toán của đơn vị đó. Người phụ trách kế toán phải thực hiện đúng nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền quy định cho kế toán trưởng.
Chữ ký của người đứng đầu doanh nghiệp (Tổng Giám đốc, Giám đốc hoặc người được uỷ quyền), của kế toán trưởng (hoặc người được uỷ quyền) và dấu đóng trên chứng từ phải phù hợp với mẫu dấu và chữ ký còn giá trị đã đăng ký tại ngân hàng. Chữ ký của kế toán viên trên chứng từ phải giống chữ ký đã đăng ký với kế toán trưởng.
Kế toán trưởng (hoặc người được uỷ quyền) không được ký “thừa uỷ quyền” của người đứng đầu doanh nghiệp. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác.
Các doanh nghiệp phải mở sổ đăng ký mẫu chữ ký của thủ quỹ, thủ kho, các nhân viên kế toán, kế toán trưởng (và người được uỷ quyền), tổng giám đốc (và người được uỷ quyền). Sổ đăng 51 ký mẫu chữ ký phải đánh số trang, đóng dấu giáp lai do thủ trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền) quản lý để tiện kiểm tra khi cần. Mỗi người phải ký ba chữ ký mẫu trong sổ đăng ký.
Những cá nhân có quyền hoặc được uỷ quyền ký chứng từ, không được ký chứng từ kế toán khi chưa ghi hoặc chưa ghi đủ nội dung chứng từ theo trách nhiệm của người ký.
Việc phân cấp ký trên chứng từ kế toán do tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp quy định phù hợp với luật pháp, yêu cầu quản lý, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, an toàn tài sản.

Có câu hỏi gì thì cứ comment, chúng mình sẽ giải đáp ngay cho bạn nha! Cố lên những chiến binh của chúng tôi!