Giỏ hàng

Phân loại đối tượng kế toán (phần 2)

Phân loại đối tượng kế toán (phần 2) trình bày nội dung “Phân loại vốn kinh doanh theo nguồn hình thành (nguồn vốn). Bài này nhẹ nhàng hơn, do sau khi post bài trước, nhiều bạn đọc đã gửi mail ngầm đề nghị đuổi việc người viết bài. :D. Bắt đầu nhé!

Theo cách phân loại này thì nguồn hình thành nên tài sản bao gồm: Nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu.

Tác dụng của việc phân loại nguồn vốn là đánh giá tình hình tài chính của đơn vị thông qua cơ cấu nguồn vốn và nắm được tình hình sử dụng nguồn vốn.

  1. Nợ phải trả
  • Là các khoản nợ phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải trả, phải thanh toán cho các chủ nợ như nợ vay ngân hàng, phải trả người bán, nợ thuế, nợ lương… Bao gồm :
  • Vay ngắn hạn: Là các khoản tiền vay (vay ngân hàng, vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp) có thời hạn trả trong vòng một năm kể từ ngày vay.
  • Nợ dài hạn đến hạn trả: Là các khoản vay dài hạn, nợ dài hạn sẽ phải trả cho chủ nợ trong niên độ kế toán hiện hành.
  • Phải trả cho người bán: Các khoản tiền mà doanh nghiệp mua vật liệu, hàng hóa, dịch vụ chưa thanh toán cho người bán, người cung ứng dịch vụ.
  • Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước: Các khoản thuế, lệ phí mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp ngân sách như thuế VAT, thuế TTĐB, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế nhà đất…
  • Phải trả người lao động: Bao gồm tiền lương, tiền công, tiền thưởng và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của công nhân viên.
  • Chi phí phải trả: Các khoản được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế chưa phát sinh (chưa chi), mà sẽ chi trong kỳ kế toán sau cho các đối tượng chịu chi phí để đảm bảo khi chi phí phát sinh không gây đột biến cho chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ như :
  • Chi phí tiền lương cho công nhân sản xuất trong thời gian đi phép.
  • Chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định có dự trù trước công việc cho năm kế hoạch hoặc một số niên độ kế toán.
  • Các khoản lãi tiền vay chưa đến kỳ trả lãi, phải ghi vào chi phí trong kỳ này.
  • Phải trả nội bộ: Phản ánh các khoản phải trả giữa doanh nghiệp với các đơn vị trực thuộc, phụ thuộc (đơn vị thành viên) và giữa các đơn vị trực thuộc trong một doanh nghiệp độc lập.
  • Phải trả, phải nộp khác :
  • Trị giá tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý của cấp trên.
  • Giá trị tài sản thừa phải trả cho cá nhân, tổ chức kinh tế theo qui định của cấp trên.
  • BHXH (theo quy định hiện hành).
  • Các khoản phải trả cho cá nhân, đơn vị bên ngoài khi nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn.
  • Lãi phải trả cho các bên tham gia liên doanh.
  • Vay dài hạn : Phản ánh các khoản tiền vay dài hạn của ngân hàng hay các tổ chức kinh tế khác để xây dựng cơ bản hay mua sắm tài sản cố định (máy móc, thiết bị).
  • Nợ dài hạn: Các khoản nợ như nợ thuê tài sản cố định thuê tài chính hay các khoản nợ dài hạn khác.
  • Nhận ký quỹ, ký cược dài hạn: Các khoản tiền mà doanh nghiệp nhận ký quỹ, ký cược dài hạn của các đơn vị, cá nhân bên ngoài (trên một năm) để đảm bảo các dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị như : hợp đồng đại lý, hợp đồng kinh tế giao hàng đúng tiến độ (nhận ký quỹ, ký cược dài hạn bằng hiện vật không theo dõi ở nội dung này).
  • Quỹ khen thưởng, phúc lợi: Dùng để khen thưởng CBCNV có thành tích và trang trải các hoạt động phúc lợi của doanh nghiệp.

Phân loại đối tượng kế toán (phần 2)

  1. Nguồn vốn chủ sở hữu
  • Là số vốn chủ doanh nghiệp không phải trả (không phải cam kết thanh toán) nó bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu và các quỹ của doanh nghiệp,…
  • Vốn đầu tư của chủ sở hữu:
  • Doanh nghiệp Nhà nước: Nguồn vốn kinh doanh do ngân sách cấp và được bổ sung từ thu nhập trong SXKD hoặc do biếu, tặng, nhận vốn góp liên doanh…
  • Công ty cổ phần: Vốn đầu tư của chủ sở hữu hình thành do vốn của các cổ đông góp vào (mua cổ phiếu) và được bổ sung từ thặng dư vốn cổ phần, thu nhập trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc góp vốn liên doanh, mua cổ phiếu ngân quỹ.
  • Công ty TNHH : Vốn đầu tư của chủ sở hữu do các bên tham gia liên doanh góp vốn và được bổ sung từ kết quả sản xuất kinh doanh.
  • Doanh nghiệp tư nhân: Do chủ doanh nghiệp bỏ vốn ra
  • Chênh lệch đánh giá lại tài sản: Phản ánh giá trị chênh lệch (tăng hay giảm) của tài sản khi có quyết định kiểm kê đánh giá lại tài sản (nhà nước, HĐQT, sáng lập viên).
  • Chênh lệch tỷ giá: Phản ánh số chênh lệch tỷ giá (tăng hay giảm) của số ngoại tệ hiện có của doanh nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh.
  • Quỹ đầu tư phát triển : Dùng để đầu tư phát triển, mở rộng, đổi mới trang thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn kỷ thuật cho công nhân viên, bổ sung vốn lưu động, góp vốn liên doanh, mua cổ phiếu…
  • Quỹ dự phòng tài chính: Để bù đắp các khoản thiệt hại, tổn thất về tài sản do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, những rủi ro trong kinh doanh không được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ (sau khi đã trừ các khoản đền bù thiệt hại của cơ quan bảo hiểm).
  • Lãi chưa phân phối: phản ánh kết quả kinh doanh (lợi nhuận, lỗ) sau thuế thu nhập doanh nghiệp và tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của doanh nghiệp
  • Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Do ngân sách cấp hoặc cấp trên cấp, do cổ đông góp vốn, do bổ sung từ kết quả kinh doanh.
  • Quỹ quản lý cấp trên : Phản ánh quá trình hình thành, thanh quyết toán nguồn kinh phí quản lý của cấp trên, quỹ này do các đơn vị thành viên nộp lên, dùng để chi tiêu cho bộ máy quản lý của cấp trên.
  • Nguồn kinh phí sự nghiệp: Phản ánh tình hình tiếp nhận và quyết toán số kinh phí sự nghiệp đã sử dụng ở các doanh nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí sự nghiệp để thực hiện những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội do cấp trên hoặc nhà nước giao, không vì mục đích lợi nhuận.
  • Nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định : Phản ánh nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp đã hình thành tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sự nghiệp. Trong quá trình sản xuất kinh doanh các loại tài sản, nguồn vốn thường xuyên vận động, thay đổi. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời số hiện có và sự vận động của từng loại tài sản, từng loại nguồn vốn nêu trên là nội dung cơ bản của công tác hạch toán kế toán. Như vậy từng loại tài sản, nguồn vốn nêu trên và sự vận động của nó trong quá trình sản xuất kinh doanh là đối tượng cụ thể mà kế toán phải phản ánh và giám đốc.

Sau phản hồi từ độc giả của Phân loại kế toán (phần 1) không tốt, quá dài, đầu độc học viên của web, tôi suýt chút nữa bị đuổi việc, up Phân loại kế toán (phần 2) lên tôi cũng đã gởi luôn cái đơn xin nghỉ việc cho quản trị viên. Mong muốn cuối cùng của tôi là các bạn có thể hiểu và phân biệt được tài sản và nguồn vốn. Con đường chinh phục kế toán còn dài, nhưng không gì là không thể. Hãy tiếp tục chạy đi, đừng suy nghĩ, sao lâu đến đích quá vậy, sẽ sớm thôi! 

Hãy comment dưới đây những thắc mắc của bạn, tôi sẽ trả lời tất cả câu hỏi của các bạn!