Giỏ hàng

Cách chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ

Bài học: Cách chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ bao gồm 3 phần như sau:

- Phần 1: Quy định chung đối với việc chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ

- Phần 2: Tỷ giá hối đoái áp dụng để chuyển đổi Báo cáo tài chính của công ty con lập bằng đồng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán của công ty mẹ

- Phần 3: phương pháp kế toán chuyển đổi Báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ

Sau đây kế toán Ytho xin gởi đến các bạn bài học: cách chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ:

Phần 1: Quy định chung đối với việc chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ

1. Khi hợp nhất báo cáo tài chính, nếu báo cáo tài chính của công ty con được lập bằng đồng tiền khác với đồng tiền trên báo cáo tài chính của công ty mẹ, công ty mẹ phải chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ.
2. Khi chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con, công ty mẹ phải:
– Xác định tỷ giá hối đoái được sử dụng để chuyển đổi báo cáo của công ty con bằng cách lựa chọn một ngân hàng thương mại nơi thường xuyên có giao dịch làm căn cứ xác định tỷ giá chuyển đổi báo cáo tài chính;
– Xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh (lãi hoặc lỗ) khi chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con được lập bằng đồng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán của công ty mẹ.
3. Tỷ giá giao dịch thực tế sử dụng khi chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con được xác định như sau:
– Đối với tài sản, tỷ giá giao dịch thực tế sử dụng để chuyển đổi báo tài chính là tỷ giá mua của ngân hàng tại thời điểm báo cáo;
– Đối với nợ phải trả, tỷ giá giao dịch thực tế sử dụng để chuyển đổi báo tài chính là tỷ giá bán của ngân hàng tại thời điểm báo cáo;
– Trường hợp tỷ giá bán và tỷ giá mua của ngân hàng tại thời điểm báo cáo chênh lệch không quá 0,2% thì được áp dụng tỷ giá mua – bán bình quân.

Phần 2: Tỷ giá hối đoái áp dụng để chuyển đổi Báo cáo tài chính của công ty con lập bằng đồng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán của công ty mẹ

Khi chuyển đổi Báo cáo tài chính của công ty con được lập bằng đồng tiền khác với đồng tiền báo cáo của công ty mẹ, kế toán phải quy đổi các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính theo các loại tỷ giá như sau:
– Tài sản, nợ phải trả và lợi thế thương mại phát sinh khi mua công ty con ở nước ngoài được quy đổi theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ;
– Giá trị tài sản thuần của công ty con do công ty mẹ nắm giữ tại ngày mua được quy đổi theo tỷ giá ghi sổ tại ngày mua;
– Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau ngày mua công ty con được quy đổi bằng cách tính toán theo các khoản mục doanh thu, chi phí của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
– Cổ tức đã trả được quy đổi theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày trả cổ tức;
– Các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy đổi theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ báo cáo xấp xỉ tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch (chênh lệch không quá 2%) thì được áp dụng tỷ giá bình quân. Trường hợp biên độ giao động của tỷ giá giữa thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ trên 20% thì áp dụng theo tỷ giá cuối kỳ.

Phần 3: Phương pháp kế toán chuyển đổi Báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ

1. Khi chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con, công ty mẹ phải xác định ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và ảnh hưởng luỹ kế của chênh lệch tỷ giá kể từ ngày mua đến thời điểm đầu kỳ.
2. Công ty mẹ phải xác định ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá liên quan đến từng khoản mục trong vốn chủ sở hữu của công ty con, như vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối… để thực hiện các điều chỉnh thích hợp.
3. Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con được phản ánh luỹ kế trong phần vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán hợp nhất theo nguyên tắc:
– Phần chênh lệch tỷ giá hối đoái phân bổ cho công ty mẹ được trình bày tại chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” thuộc phần vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán hợp nhất;
– Phần chênh lệch tỷ giá hối đoái phân bổ cho cổ đông không kiểm soát được trình bày tại chỉ tiêu “Lợi ích cổ đông không kiểm soát”.
4. Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh liên quan đến việc quy đổi khoản lợi thế thương mại chưa phân bổ hết cuối kỳ được tính toàn bộ cho công ty mẹ và được ghi nhận vào chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” thuộc phần vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán hợp nhất.
5. Khi thanh lý công ty con, toàn bộ số chênh lệch tỷ giá hối đoái luỹ kế trên phần vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán hợp nhất do chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con đó sẽ được ghi nhận vào doanh thu tài chính hoặc chi phí tài chính cùng kỳ thanh lý công ty con.
6. Khi lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất, công ty mẹ phải thực hiện các bút toán điều chỉnh để ghi nhận chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con như sau:
a) Trường hợp phát sinh lãi tỷ giá, ghi:
– Đối với phần lãi tỷ giá phân bổ cho cổ đông là công ty mẹ, ghi:
Nợ các chỉ tiêu thuộc vốn chủ sở hữu
Có Chênh lệch tỷ giá hối đoái
– Đối với phần lãi tỷ giá phân bổ cho cổ đông không kiểm soát, ghi:
Nợ các chỉ tiêu thuộc vốn chủ sở hữu
Có Lợi ích cổ đông không kiểm soát
b) Trường hợp phát sinh lỗ tỷ giá, ghi:
– Đối với phần lỗ tỷ giá phân bổ cho cổ đông là công ty mẹ, ghi:
Nợ Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có các chỉ tiêu thuộc vốn chủ sở hữu
– Đối với phần lỗ tỷ giá phân bổ cho cổ đông không kiểm soát, ghi:
Nợ Lợi ích cổ đông không kiểm soát
Có các chỉ tiêu thuộc vốn chủ sở hữu.
c) Khi thanh lý công ty con, công ty mẹ kết chuyển số chênh lệch tỷ giá luỹ kế đang ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán sang báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, ghi:
– Nếu kết chuyển lãi chênh lệch tỷ giá, ghi:
Nợ Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có Doanh thu hoạt động tài chính
– Nếu kết chuyển lỗ chênh lệch tỷ giá, ghi:
Nợ Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có Doanh thu hoạt động tài chính
Kế toán Ytho đã gởi đến các bạn bài học: cách chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ. Nếu các bạn có vướng mắc về bài học: cách chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ vui lòng để lại bình luận để mọi người tham khảo nhé.

Bài giảng lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất