Giỏ hàng

Cách tính lương mới nhất

Cách tính lương hưu mới nhất được hướng dẫn tại điều 7 nghị định 115 hướng dẫn luật bảo hiểm xã hội. Hiện nay đang có rất nhiều các cô chú, anh chị được hưởng lương hưu. Công việc tính lương hưu không chỉ của những người trả lương mà dành cho cả những người hưởng lương. Nếu cô chú và các bạn có những thắc mắc về cách tính lương hưu của các cán bộ thì hãy xem hướng dẫn dưới đây.

I. Điều 7 nghị định 115 hướng dẫn luật bảo hiểm xã hội như sau:

Mức lương hưu hằng tháng tại Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

  1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
  2. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:

a) Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

c) Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Năm nghỉ hưu Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%

2018 16 năm

2019 17 năm

2020 18 năm

2021 19 năm

Từ 2022 trở đi 20 năm

  1. Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại Khoản 3 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được xác định như sau:

a) Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ;

b) Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ;

c) Người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định này thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi;

d) Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi.

II. Theo Điều 57. Điều chỉnh lương hưu

“Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.”

Vì điều chỉnh lương hưu theo chỉ số giá tiêu dùng, Việt Nam lại hay có lạm phát, do đó mức lương sẽ được tính cao hơn.

III. Điều chỉnh lương hưu theo thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH như sau:

Điều chỉnh mức hưởng đối với người bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến trước ngày 01 tháng 5 năm 2016.

  1. Tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng mới=Mức lương hưu, trợ cấp hiện hưởngx1,08
  1. Thời điểm điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.

Ví dụ 1: Ông A, bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 với mức lương hưu tại thời điểm tháng 01/2015 là 5.200.000 đồng/tháng.

Mức lương hưu mới của ông A sau khi điều chỉnh là:

5.200.000 đồng/tháng x 1,08 = 5.616.000 đồng/tháng

Thời điểm hưởng mức lương mới nêu trên của ông A được tính từ tháng 01/2015.

Ví dụ 2: Bà B, bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 3 năm 2016 với mức lương hưu tại thời điểm tháng 3/2016 là 4.800.000 đồng/tháng.

Mức lương hưu mới của bà B sau khi điều chỉnh là:

4.800.000 đồng/tháng x 1,08 = 5.184.000 đồng/tháng

Thời điểm hưởng mức lương mới nêu trên của bà B được tính từ tháng 3/2016.

Điều chỉnh mức hưởng đối với người có mức lương hưu, trợ cấp dưới 2.000.000 đồng/tháng

  1. Các đối tượng  này, bao gồm cả các đối tượng sau khi được điều chỉnh mức hưởng, nếu có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng thấp hơn 2.000.000 đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh như sau:

a) Đối với người có mức lương hưu từ 1.750.000 đồng/tháng trở xuống:

Mức lương hưu sau điều chỉnh=Mức lương hưu trước điều chỉnh+ 250.000 đồng/tháng

b) Đối với người có mức lương hưu từ trên 1.750.000 đồng/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/tháng:

Mức lương hưu sau điều chỉnh=2.000.000 đồng/tháng

c) Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ 1.850.000 đồng/tháng trở xuống:

Mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh=Mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng trước điều chỉnh+ 150.000 đồng/tháng

d) Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 1.850.000 đồng/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/tháng:

Mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh=2.000.000 đồng/tháng
  1. Thời điểm điều chỉnh tính từ tháng 01 năm 2016 đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng đối với người bắt đầu hưởng trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016.

Ví dụ 3: Ông C, bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 với mức lương hưu tại thời điểm tháng 01/2016 là 1.600.000 đồng/tháng.

– Ông C thuộc đối tượng điều chỉnh tăng 8% , mức lương hưu của ông C sau khi điều chỉnh tăng 8% là:

1.600.000 đồng/tháng x 1,08 = 1.728.000 đồng/tháng

– Do mức lương hưu của ông C thấp hơn 1.750.000 đồng/tháng, nên ông C thuộc đối tượng được tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 250.000 đồng/tháng . Mức lương hưu của ông C sau khi điều chỉnh là:

1.728.000 đồng/tháng + 250.000 đồng/tháng = 1.978.000 đồng/tháng

Thời điểm hưởng mức lương nêu trên của ông C được tính từ tháng 01/2016.

Ví dụ 4: Bà D, hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng với mức hưởng tại thời điểm tháng 12/2015 là 1.860.000 đồng. Do mức trợ cấp mất sức lao động của bà D nằm trong khoảng từ trên 1.850.000 đồng/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/tháng, nên bà D thuộc đối tượng được điều chỉnh mức trợ cấp theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

Mức trợ cấp mất sức lao động của bà D sau khi điều chỉnh là 2.000.000 đồng/tháng. Thời điểm hưởng từ tháng 01/2016.

Điều chỉnh mức hưởng đối với giáo viên mầm non có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở.

  1. Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 và đang hưởng lương hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 hoặc bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh mà thấp hơn 1.150.000 đồng thì được điều chỉnh bằng 1.150.000 đồng/tháng áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 30 tháng 4 năm 2016; thấp hơn 1.210.000 đồng thì được điều chỉnh bằng 1.210.000 đồng/tháng áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 trở đi.
  2. Thời điểm điều chỉnh:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đối với đối tượng đang hưởng lương hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 đối vớiđối tượng đang hưởng lương hưu trước ngày 01 tháng 5 năm 2016.

b) Từ tháng hưởng lương hưu đối với người bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016.

Ví dụ 5: Bà E là giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 3 năm 2015 với mức lương hưu tại thời điểm tháng 3/2015 là 800.000 đồng/tháng.

– Bà E thuộc đối tượng điều chỉnh tăng 8% , mức lương hưu của bà E sau khi điều chỉnh tăng 8% là:

800.000 đồng/tháng x 1,08 = 864.000 đồng/tháng

– Do mức lương hưu của bà E thấp hơn 1.750.000 đồng/tháng, nên bà E thuộc đối tượng được tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 250.000 đồng/tháng . Mức lương hưu của bà E sau khi điều chỉnh tăng thêm 250.000 đồng là:

864.000 đồng/tháng + 250.000 đồng/tháng = 1.114.000 đồng/tháng

– Do mức lương hưu của bà E tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2016 thấp hơn 1.150.000 đồng/tháng, nên bà E thuộc đối tượng được điều chỉnh tăng lên bằng 1.150.000 đồng/tháng; tại thời điểm ngày 01 tháng 5 năm 2016 thấp hơn 1.210.000 đồng/tháng, nên bà E thuộc đối tượng được điều chỉnh tăng lên bằng 1.210.000 đồng/tháng.

Như vậy, bà E có mức hưởng lương hưu theo từng giai đoạn như sau:

+ Từ tháng 3/2015 đến hết tháng 12/2015 là 864.000 đồng/tháng;

+ Từ tháng 01/2016 đến hết tháng 4/2016 là 1.150.000 đồng/tháng;

+ Từ tháng 5/2016 đến hết tháng 12/2016 là 1.210.000 đồng/tháng.

IV. Theo ví dụ tại điều 17 thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:

Ví dụ 24: Bà A 53 tuổi, làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, có 26 năm 04 tháng đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu tháng 6/2016. Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà A được tính như sau:

– 15 năm đầu được tính bằng 45%;

– Từ năm thứ 16 đến năm thứ 26 là 11 năm, tính thêm: 11 x 3% = 33%;

– 04 tháng được tính là 1/2 năm, tính thêm: 0,5 x 3% = 1,5%

– Tổng các tỷ lệ trên là: 45% + 33% + 1,5% = 79,5% (chỉ tính tối đa bằng 75%);

– Bà A nghỉ hưu trước tuổi 55 theo quy định là 2 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 2 x 2% = 4%;

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A là 75% – 4% = 71%. Ngoài ra, do bà A có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng 75% (cao hơn 25 năm) nên còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là: 1,5 năm x 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

a) Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi của năm đó.

Ví dụ 25: Bà K bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 01/2019 khi đủ 50 tuổi 01 tháng, có 28 năm đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:

– 15 năm đầu được tính bằng 45%;

– Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%;

– Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 26% = 71%;

– Bà K nghỉ hưu khi 50 tuổi 01 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 55 là 4 năm 11 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 8% + 1% = 9%;

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà K sẽ là 71% – 9% = 62%.

b) Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

Ví dụ 26: Ông Q nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 4/2017 khi đủ 49 tuổi. Ông Q có 27 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; bị suy giảm khả năng lao động 61%. Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông Q được tính như sau:

– 15 năm đầu được tính bằng 45%;

– Từ năm thứ 16 đến năm thứ 27 là 12 năm, tính thêm: 12 x 2% = 24%;

– Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 24% = 69%;

– Ông Q nghỉ hưu trước tuổi 50 theo quy định là 01 năm nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 2%;

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông Q là 69% – 2% = 67%.

Ví dụ 27: Bà M làm việc trong điều kiện bình thường, trong hồ sơ chỉ thể hiện sinh năm 1962, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 25 năm, bị suy giảm khả năng lao động 61%, lập hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu từ ngày 01/3/2016.

Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà M được tính như sau:

– 15 năm đầu được tính bằng 45%;

– Từ năm thứ 16 đến năm thứ 25 là 10 năm, tính thêm: 10 x 3% = 30%;

– Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 30% = 75%;

– Hồ sơ chỉ thể hiện bà M sinh năm 1962 nên lấy ngày 01/01/1962 để tính tuổi làm cơ sở tính năm nghỉ hưu trước tuổi. Do vậy, tại thời điểm hưởng lương hưu bà M đã 54 tuổi 01 tháng nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 1%;

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà M là 75% -1% = 74%.

Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời gian đóng đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Ví dụ 28: Ông G làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu năm 2018 khi 56 tuổi 7 tháng, có 29 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:

– Số năm đóng bảo hiểm xã hội của ông G là 29 năm 7 tháng, số tháng lẻ là 7 tháng được tính là 1 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông G là 30 năm.

– 16 năm đầu tính bằng 45%;

– Từ năm thứ 17 đến năm thứ 30 là 14 năm, tính thêm: 14 x 2% = 28%;

– Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 28% = 73%.

– Ông G nghỉ hưu khi 56 tuổi 07 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 60 theo quy định là 3 năm 05 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 6%;

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông G sẽ là 73% – 6% = 67%.

Ví dụ 29: Ông S nghỉ việc hưởng lương hưu năm 2016 khi đủ 51 tuổi. Ông S có 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại; bị suy giảm khả năng lao động 61% và có 27 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông S được tính như sau:

– Số năm đóng bảo hiểm xã hội của ông S là 27 năm 03 tháng, số tháng lẻ là 03 tháng được tính là 0,5 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông S là 27,5 năm.

– 15 năm đầu tính bằng 45%;

– Từ năm thứ 16 đến năm thứ 27,5 là 12,5 năm, tính thêm: 12,5 x 2% = 25%;

– Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 25% = 70%.

– Ông S nghỉ hưu trước tuổi 55 là 4 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm 8%;

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông S là 70% – 8% = 62%.

Như vậy, việc tính lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố điều chỉnh và các quy định liên quan. Hãy tham khảo các quy định này rồi tự tính lương hưu cho mình. Trong quá trình tính có thắc mắc vui lòng để lại bình luận bên dưới.

Chúng tôi không thể tính giúp các bạn khi các bạn gởi các dữ liệu nhờ tính giúp. Xin cảm ơn.