Giỏ hàng

Hướng dẫn lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất gián tiếp

Hướng dẫn lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất gián tiếp là hướng dẫn các bạn làm hợp nhất báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp. Trong hợp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp thì cách lập tương tự cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ thông thường. Các bạn có thể tham khảo ở bài viết sau:  cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo thông tư 200

Sau đây kế toán xin giới thiếu đến các bạn: Hướng dẫn lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất gián tiếp

Phần 1: Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động kinh doanh theo phương pháp gián tiếp

1. Lợi nhuận trước thuế – Mã số 01

Chỉ tiêu này được lấy từ chỉ tiêu Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (Mã số 50) trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất trong kỳ báo cáo. Nếu số liệu này là số âm (trường hợp lỗ), thì ghi trong ngoặc đơn (***).

2. Khấu hao TSCĐ – Mã số 02.

– Trường hợp doanh nghiệp bóc tách riêng được số khấu hao TSCĐ còn nằm trong hàng tồn kho và khấu hao số đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ: Chỉ tiêu “Khấu hao TSCĐ” chỉ bao gồm số khấu hao TSCĐ đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ; Chỉ tiêu “Tăng, giảm hàng tồn kho” không bao gồm số khấu hao TSCĐ nằm trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (chưa được xác định là tiêu thụ trong kỳ);

– Trường hợp doanh nghiệp không thể bóc tách riêng được số khấu hao TSCĐ còn nằm trong hàng tồn kho và khấu hao số đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ thì thực hiện theo nguyên tắc: Chỉ tiêu “Khấu hao TSCĐ” bao gồm số khấu hao TSCĐ đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng với số khấu hao TSCĐ liên quan đến hàng tồn kho chưa tiêu thụ; Chỉ tiêu “Tăng, giảm hàng tồn kho” bao gồm cả số khấu hao TSCĐ nằm trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (chưa được xác định là tiêu thụ trong kỳ).

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số khấu hao TSCĐ đã trích trong kỳ trên Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ của công ty mẹ và từng công ty con (đối chiếu với chỉ tiêu khấu hao TSCĐ trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn).

– Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp đều phải loại trừ khỏi báo cáo lưu chuyển tiền tệ số khấu hao TSCĐ nằm trong giá trị xây dựng cơ bản dở dang, ghi giảm nguồn kinh phí, quỹ khen thưởng phúc lợi đã hình thành TSCĐ, Quỹ phát triển KH&CN đã hình thành TSCĐ phát sinh trong kỳ. Ngoài ra, khi có giao dịch góp vốn, bán TSCĐ hoặc chuyển hàng tồn kho thành TSCĐ trong nội bộ tập đoàn, còn phải căn cứ vào Bảng tổng hợp mua, bán TSCĐ trong nội bộ tập đoàn; Bảng tổng hợp bán hàng tồn kho chuyển thành TSCĐ trong nội bộ tập đoàn.

– Khi lập chỉ tiêu này phải điều chỉnh tăng hoặc giảm số khấu hao TSCĐ đã trích trong kỳ liên quan đến giao dịch góp vốn, mua, bán TSCĐ trong nội bộ tập đoàn hoặc chuyển hàng tồn kho thành TSCĐ trong nội bộ tập đoàn và TSCĐ hình thành qua hoạt động đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn vay trong nội bộ tập đoàn, cụ thể:

+ Nếu trong kỳ phát sinh giao dịch góp vốn bằng TSCĐ hoặc bán TSCĐ có lãi trong nội bộ tập đoàn, dẫn đến mức khấu hao theo nguyên giá mới cao hơn mức khấu hao theo nguyên giá cũ thì phải ghi giảm số khấu hao được trình bày trong chỉ tiêu này về mức khấu hao theo nguyên giá cũ. Ví dụ: Nếu nguyên giá TSCĐ tại bên bán là 1.000 triệu đồng, thời gian sử dụng trong 10 năm dẫn đến mức khấu hao tại bên bán là 100triệu đồng/năm. Giả sử bên bán đã sử dụng và khấu hao trong 6 năm (giá trị còn lại là 400 triệu đồng) rồi chuyển giao TSCĐ cho bên mua với giá 600 triệu đồng, bên mua tiếp tục khấu hao thêm 4 năm nữa với mức 150triệu đồng/năm. Khi lập chỉ tiêu này, phải ghi giảm 50 triệu đồng để đưa mức khấu hao mới về mức khấu hao cũ.

+ Nếu trong kỳ phát sinh giao dịch góp vốn bằng TSCĐ hoặc bán TSCĐ bị lỗ trong nội bộ tập đoàn, dẫn đến mức khấu hao theo nguyên giá mới thấp hơn mức khấu hao theo nguyên giá cũ thì phải ghi tăng số khấu hao được trình bày trong chỉ tiêu này về mức khấu hao theo nguyên giá cũ.

+ Nếu TSCĐ hình thành qua quá trình đầu tư, xây dựng sử dụng nguồn vốn vay từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn thì nguyên giá TSCĐ trên báo cáo tài chính sẽ bao gồm cả số chi phí đi vay được vốn hoá. Tuy nhiên số chi phí đi vay được vốn hoá trong nguyên giá TSCĐ sẽ bị loại trừ khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất nên mức khấu hao theo nguyên giá sẽ bao gồm cả chi phí lãi vay nội bộ và do đó cần phải loại trừ ra khỏi báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

– Việc kiểm tra, đối chiếu số liệu của chỉ tiêu này trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được thực hiện bằng cách lấy số dư cuối kỳ của khoản mục hao mòn TSCĐ trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất trừ số dư đầu kỳ, sau khi đã loại bỏ ảnh hưởng của:

+ Khoản hao mòn luỹ kế tăng do trích khấu hao trong năm của TSCĐ dùng cho mục đích sự nghiệp, dự án, văn hoá, phúc lợi…;

+ Khoản hao mòn luỹ kế giảm do thanh lý, nhượng bán TSCĐ trong năm;

+ Khoản hao mòn luỹ kế tăng (kể từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con) do mua thêm công ty con trong kỳ;

+ Khoản hao mòn luỹ kế giảm do thanh lý bớt công ty con trong kỳ.

– Chỉ tiêu này còn bao gồm cả số lợi thế thương mại được phân bổ vào chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ. Trường hợp có lợi thế thương mại âm (lãi từ giao dịch mua giá rẻ) thì toàn bộ giá trị của lợi thế thương mại âm được tính giảm trừ vào chỉ tiêu này.

– Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” (và được trừ khỏi chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế đối với phần lợi thế thương mại âm).

3. Các khoản dự phòng – Mã số 03

– Chỉ tiêu này phản ánh ảnh hưởng của việc trích lập, hoàn nhập và sử dụng các khoản dự phòng đến các luồng tiền trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào: Bảng cân đối kế toán hợp nhất; Bảng tổng hợp các khoản “Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh”; Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác”; “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”, “Dự phòng phải thu khó đòi”, “Dự phòng phải trả” do công ty mẹ và các công ty con lập, và số dự phòng đã được điều chỉnh trên Bảng tổng hợp điều chỉnh các khoản dự phòng trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu của chỉ tiêu này được xác định bằng số chênh lệch giữa số dư đầu kỳ và số dư cuối kỳ của các khoản dự phòng tổn thất tài sản (dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi) và dự phòng phải trả trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất.

+ Đối với công ty con được mua trong kỳ, chỉ tiêu này không bao gồm số dự phòng đã trích lập hoặc hoàn nhập trước thời điểm mua công ty con; Đối với công ty con được thanh lý trong kỳ, chỉ tiêu này không bao gồm số dự phòng đã trích lập hoặc hoàng nhập sau thời điểm thanh lý.

+ Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”. Trường hợp các khoản dự phòng nêu trên được hoàn nhập ghi giảm chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ báo cáo thì được trừ (-) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (***).

– Việc đối chiếu số liệu của chỉ tiêu này có thể thực hiện bằng cách lấy số chi tiết dự phòng đã trích lập hoặc hoàn nhập trong kỳ của công ty mẹ và các công ty con trên bảng tổng hợp trích lập và sử dụng các khoản dự phòng sau khi điều chỉnh với biến động của số dự phòng phát sinh trong kỳ liên quan đến các công ty con được mua hoặc bị thanh lý trong kỳ và các khoản dự phòng bị điều chỉnh khi lập Bảng cân đối kế toán hợp nhất.

4. Lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (Mã số 04)

– Chỉ tiêu này phản ánh lãi (hoặc lỗ) chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ của công ty mẹ và các công ty con đã được phản ánh vào lợi nhuận kế toán trước thuế trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất trong kỳ báo cáo.

 Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, Bảng tổng hợp chênh lệch tỷ giá phát sinh do đánh giá lại cuối kỳ các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ do công ty mẹ và các công ty con lập trên cơ sở đã loại trừ ảnh hưởng về chênh lệch tỷ giá của các khoản phải thu, phải trả có gốc ngoại tệ trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu của chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy số chi tiết về doanh thu tài chính (hoặc chi phí tài chính) liên quan đến chênh lệch tỷ giá phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.

Việc đối chiếu được thực hiện bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, trừ đi (-) các khoản lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trong nội bộ tập đoàn. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”, nếu có lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện, hoặc được cộng (+) vào chỉ tiêu trên, nếu có lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện.

5. Lãi/lỗ từ hoạt động đầu tư – Mã số 05

– Chỉ tiêu này phản ánh lãi/lỗ của công ty mẹ và công ty con phát sinh trong kỳ đã được phản ánh vào lợi nhuận kế toán trước thuế trên Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất nhưng được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư, như:

+ Lãi, lỗ từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT;

+ Lãi, lỗ từ việc đánh giá lại tài sản phi tiền tệ mang đi góp vốn, đầu tư vào đơn vị khác

+ Lãi, lỗ từ việc bán, thu hồi các khoản đầu tư tài chính (không bao gồm lãi, lỗ mua bán chứng khoán kinh doanh), như: Các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết; Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn;

+ Khoản tổn thất hoặc hoàn nhập tổn thất của các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn;

+ Lãi cho vay, lãi tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Các khoản lãi, lỗ được phân loại là hoạt động đầu tư phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn, như: Lãi cho vay phải thu, lãi vay phải trả, cổ tức, lợi nhuận được chia hoặc phải trả, lãi, lỗ chưa thực hiện từ các giao dịch góp vốn, thanh lý nhượng bán TSCĐ … trong nội bộ tập đoàn.

+ Các khoản lãi, lỗ phân loại là hoạt động đầu tư từ thời điểm đầu kỳ tới thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ) và từ thời điểm thanh lý tới thời điểm cuối kỳ (đối với công ty con bị thanh lý trong kỳ)

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số chi tiết trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con; Báo cáo hoặc bảng tổng hợp các khoản lãi cho vay, cổ tức, lợi nhuận được chia; Báo cáo góp vốn, thanh lý, nhượng bán TSCĐ trong nội bộ tập đoàn kỳ báo cáo.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy số chi tiết về các khoản lãi, lỗ trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất không được tính vào luồng tiền từ hoạt động kinh doanh. Việc đối chiếu chỉ tiêu này được thực hiện bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, trừ đi:

+ Các khoản lãi cho vay, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị nội bộ tập đoàn;

+ Lãi/lỗ chưa thực hiện từ việc góp vốn, thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và các khoản đầu tư vào các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuần thuần trước thuế”, nếu có lãi hoạt động đầu tư và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (***) ; hoặc được cộng (+) vào chỉ tiêu trên, nếu có lỗ hoạt động đầu tư.

6. Chi phí lãi vay – Mã số 06

– Chỉ tiêu này phản ánh chi phí lãi vay của toàn bộ tập đoàn đã ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, kể cả phần chi phí lãi vay hàng kỳ tính theo lãi suất thực tế được ghi tăng cấu phần nợ của trái phiếu chuyển đổi. Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản lãi vay được ghi nhận là chi phí phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn trong kỳ báo cáo và số chi phí lãi vay luỹ kế kể từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ) và chi phí lãi vay kể từ thời điểm thanh lý đến thời điểm cuối kỳ (đối với công ty con bị thanh lý trong kỳ)

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào chỉ tiêu “chi phí lãi vay” trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, đối chiếu với các báo cáo chi phí lãi vay trong kỳ của công ty mẹ và các công ty con và Bảng tổng hợp điều chỉnh chi phí lãi vay trong nội bộ tập đoàn. Số liệu chỉ tiêu này được cộng vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”.

7. Các khoản điều chỉnh khác (Mã số 07)

Chỉ tiêu này phản ánh số trích lập hoặc hoàn nhập Quỹ Bình ổn giá hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong kỳ.

Chỉ tiêu này được lập bằng cách cộng ngang các chỉ tiêu tương ứng trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con. Số liệu chỉ tiêu này được cộng vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu trong kỳ trích lập thêm các Quỹ hoặc được trừ khỏi chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu trong kỳ hoàn nhập các quỹ.

8. Tăng, giảm các khoản phải thu – Mã số 09

– Chỉ tiêu này phản ánh tình hình thanh toán và biến động các khoản phải thu từ các đơn vị bên ngoài tập đoàn liên quan đến: Các khoản Phải thu ngắn hạn của khách hàng; Phải thu dài hạn của khách hàng; Trả trước cho người bán; Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng; Các khoản phải thu ngắn hạn khác; Phải thu dài hạn khác; Thuế GTGT được khấu trừ; Thuế và các khoản phải thu Nhà nước; Tài sản ngắn hạn khác trong kỳ báo cáo. Khi lập chỉ tiêu này phải loại trừ biến động về các khoản phải thu khi mua hoặc thanh lý công ty con mất quyền kiểm soát trong kỳ;

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Các khoản phải thu liên quan đến hoạt động đầu tư, như: Số tiền ứng trước cho nhà thầu XDCB; Phải thu về cho vay (cả gốc và lãi); Phải thu về lãi tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia; Phải thu về thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT, các khoản đầu tư tài chính; Giá trị TSCĐ mang đi cầm cố, thế chấp…

+ Số dư các khoản phải thu (tại thời điểm mua công ty con) của công ty con được mua trong kỳ;

+ Các khoản phải thu giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Khoản phải thu do nộp thừa thuế TNDN cho Nhà nước.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Các chỉ tiêu trên bảng Cân đối kế toán hợp nhất, như: Chỉ tiêu “Phải thu ngắn hạn của khách hàng”; “Phải thu dài hạn của khách hàng”; “Trả trước cho người bán”; “Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng”; “Các khoản phải thu ngắn hạn khác”; “Phải thu dài hạn khác”; “Thuế GTGT được khấu trừ”; “Thuế và các khoản phải thu Nhà nước”; “Tài sản ngắn hạn khác”;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về: Các khoản phải thu, phải trả giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn; Các khoản phải thu lãi cho vay, phải thu về cổ tức, lợi nhuận được chia; Các khoản phải thu liên quan đến hoạt động đầu tư (như thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT);

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách:

+ Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ trên Bảng Cân đối kế toán hợp nhất của các chỉ tiêu: “Phải thu ngắn hạn của khách hàng”; “Phải thu dài hạn của khách hàng”; “Trả trước cho người bán”; “Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng”; “Các khoản phải thu ngắn hạn khác”; “Phải thu dài hạn khác”; “Thuế GTGT được khấu trừ”; “Thuế và các khoản phải thu Nhà nước” (không bao gồm thuế TNDN);

+ Cộng với số dư (tại ngày thanh lý) các khoản phải thu của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư (tại ngày mua) các khoản phải thu của công ty con được mua trong kỳ;

+ Sau đó trừ đi (-) số dư chi tiết trên Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về các khoản phải thu lãi cho vay, phải thu về cổ tức, lợi nhuận được chia; Các khoản phải thu liên quan đến hoạt động đầu tư (như thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT);

– Việc đối chiếu số liệu của chỉ tiêu này được thực hiện bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trừ đi các khoản phải thu giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn, sau đó điều chỉnh đối với biến động của các khoản phải thu do mua thêm hoặc thanh lý công ty con trong kỳ.

– Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

9. Tăng, giảm hàng tồn kho – Mã số 10

– Chỉ tiêu này phản ánh tình hình thanh toán và biến động của Hàng tồn kho phát sinh giữa tập đoàn và các đơn vị bên ngoài tập đoàn.

+ Trường hợp doanh nghiệp bóc tách riêng được số khấu hao TSCĐ còn nằm trong hàng tồn kho và khấu hao số đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ (chỉ tiêu “Khấu hao TSCĐ” – mã số 02 chỉ bao gồm số khấu hao TSCĐ đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ) thì chỉ tiêu này không bao gồm số khấu hao TSCĐ nằm trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (chưa được xác định là tiêu thụ trong kỳ);

+ Trường hợp doanh nghiệp không thể bóc tách riêng được số khấu hao TSCĐ còn nằm trong hàng tồn kho và khấu hao số đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ (chỉ tiêu “Khấu hao TSCĐ” – mã số 02 bao gồm cả số khấu hao TSCĐ liên quan đến hàng tồn kho chưa tiêu thụ) thì chỉ tiêu này bao gồm cả số khấu hao TSCĐ nằm trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (chưa được xác định là tiêu thụ trong kỳ).

– Chỉ tiêu này không bao gồm:

+ Giá trị hàng tồn kho luân chuyển giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn kỳ báo cáo;

+ Số hàng tồn kho dùng cho hoạt động đầu tư XDCB hoặc hàng tồn kho dùng để trao đổi lấy TSCĐ, BĐSĐT; Chi phí sản xuất thử được tính vào nguyên giá TSCĐ hình thành từ XDCB. Trường hợp trong kỳ mua hàng tổn kho nhưng chưa xác định được mục đích sử dụng (cho hoạt động kinh doanh hay đầu tư XDCB) thì giá trị hàng tồn kho được tính trong chỉ tiêu này;

+ Số dư các hàng tồn kho (tại thời điểm mua công ty con) của công ty con được mua trong kỳ;

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Bảng Cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình sử dụng hàng tồn kho cho hoạt động đầu tư, xây dựng TSCĐ kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con hoặc bảng tổng hợp mua, bán hàng tồn kho hoặc chuyển hàng tồn kho thành TSCĐ trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách:

+ Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của chỉ tiêu “Hàng tồn kho” (Không bao gồm số dư của chỉ tiêu “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”) trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Trừ đi số dư chi tiết trên Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về các khoản hàng tồn kho sử dụng cho hoạt động đầu tư, xây dựng TSCĐ; BĐSĐT;

+ Cộng với số dư hàng tồn kho (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư hàng tồn kho (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ;

– Việc đối chiếu số liệu của chỉ tiêu này được thực hiện bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên BCLCTT của công ty mẹ và các công ty con trừ đi số hàng tồn kho luân chuyển trong nội bộ tập đoàn kỳ báo cáo, sau đó điều chỉnh đối với biến động của hàng tồn kho do mua thêm hoặc thanh lý công ty con trong kỳ

– Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào chỉ tiêu lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

10. Tăng, giảm các khoản phải trả – Mã số 11

– Chỉ tiêu này phản ánh tình hình thanh toán và biến động các khoản phải trả cho các đơn vị bên ngoài tập đoàn liên quan đến: Các khoản phải trả cho người bán; Người mua trả tiền trước; Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước; Phải trả công nhân viên; Chi phí phải trả; Phải trả nội bộ; Phải trả, phải nộp khác. Khi lập chỉ tiêu này phải loại trừ biến động về các khoản phải trả khi mua hoặc thanh lý công ty con mất quyền kiểm soát trong kỳ;

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số dư các khoản phải trả (tại thời điểm mua công ty con) của công ty con được mua trong kỳ;

+ Các khoản phải trả về thuế TNDN phải nộp; Lãi tiền vay phải trả

+ Các khoản phải trả về lãi tiền vay, phải trả về cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu vốn;

+ Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động đầu tư như: Số tiền người mua trả trước liên quan đến việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT; Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động mua sắm, xây dựng TSCĐ, BĐSĐT; Các khoản phải trả mua các công cụ vốn và công cụ nợ..; và các khoản phải trả liên quan đến hoạt động tài chính, như: Phải trả gốc vay, gốc trái phiếu, nợ thuê tài chính; Cổ tức, lợi nhuận phải trả;

+ Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động tài chính (Vay và nợ ngắn hạn, dài hạn…);

+ Các khoản phải trả giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Các chỉ tiêu trên bảng Cân đối kế toán hợp nhất, như: Chỉ tiêu “Phải trả cho người bán ngắn hạn”, “Phải trả người bán dài hạn”, “Người mua trả tiền trước”, “Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước”, “Phải trả người lao động”, “Chi phí phải trả”, “Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng”, “Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác”, “Phải trả dài hạn khác”;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về: Các khoản phải trả, phải thu giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn; Các khoản phải trả thuế TNDN phải nộp; Các khoản phải trả lãi tiền vay, phải trả về cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu vốn; Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động đầu tư (như mua sắm, xây dựng TSCĐ, mua bất động sản đầu tư, mua các công cụ nợ…); Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động tài chính (Vay và nợ ngắn hạn, dài hạn…);

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách:

+ Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ trên Bảng Cân đối kế toán hợp nhất của các chỉ tiêu “Phải trả cho người bán ngắn hạn”, “Phải trả người bán dài hạn”, “Người mua trả tiền trước”, “Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước”, “Phải trả người lao động”, “Chi phí phải trả”, “Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng”, “Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác”, “Phải trả dài hạn khác”;

+ Trừ đi (-) số dư chi tiết trên Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con đối với các khoản phải trả thuế TNDN phải nộp; Các khoản phải trả lãi tiền vay, phải trả về cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu vốn; Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động đầu tư (như mua sắm, xây dựng TSCĐ, mua bất động sản đầu tư, mua các công cụ nợ…); Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động tài chính (Vay và nợ ngắn hạn, dài hạn…);

+ Cộng với số dư (tại ngày thanh lý) các khoản phải thu của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư (tại ngày mua) các khoản phải thu của công ty con được mua trong kỳ;

– Việc đối chiếu số liệu của chỉ tiêu này được thực hiện bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên BCLCTT của công ty mẹ và các công ty con trừ đi các khoản phải trả giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn, sau đó điều chỉnh đối với biến động của các khoản phải thu do mua thêm hoặc thanh lý công ty con trong kỳ.

– Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng số dư cuối kỳ lớn hơn tổng số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (***).

11. Tăng, giảm chi phí trả trước – Mã số 12

– Chỉ tiêu này phản ánh số tiền chi phí trả trước cho các đơn vị bên ngoài tập đoàn trong kỳ báo cáo. Các khoản chi phí trả trước trong nội bộ tập đoàn đã được loại trừ với các khoản doanh thu nhận trước trong nội bộ tập đoàn, do đó không phản ánh trên BCLCTT hợp nhất. Khi lập chỉ tiêu này phải loại trừ biến động về các khoản chi phí trả trước khi mua hoặc thanh lý công ty con mất quyền kiểm soát trong kỳ.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số dư các khoản chi phí trả trước (tại thời điểm mua công ty con) của công ty con được mua trong kỳ;

+ Các khoản chi phí trả trước phát sinh từ các giao dịch giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

+ Khoản chi phí trả trước liên quan đến luồng tiền từ hoạt động đầu tư, như: Tiền thuê đất đủ tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình và khoản trả trước lãi vay được vốn hóa.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng các chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của các khoản mục “Chi phí trả trước ngắn hạn” và “Chi phí trả trước dài hạn” trên bảng Cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó cộng với số dư chi phí trả trước (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư chi phí trả trước (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ.

– Việc đối chiếu số liệu của chỉ tiêu này được thực hiện bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên BCLCTT của công ty mẹ và các công ty con trừ đi các khoản chi phí trả trước giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn, sau đó điều chỉnh đối với biến động số dư của các khoản chi phí trả trước phát sinh do mua thêm hoặc thanh lý công ty con trong kỳ.

– Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

12. Tăng, giảm chứng khoán kinh doanh (Mã số 13)

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị chứng khoán phát hành bởi các đơn vị bên ngoài tập đoàn mà tập đoàn nắm giữ vì mục đích chờ tăng giá để kiếm lời.

Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của chỉ tiêu “Chứng khoán kinh doanh” – Mã số 121 của Bảng cân đối kế toán hợp nhất trong kỳ báo cáo.

Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu số dư cuối kỳ nhỏ hơn số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu số dư cuối kỳ lớn hơn số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

13. Tiền lãi vay đã trả – Mã số 14

– Chỉ tiêu này phản ánh tiền lãi vay đã trả cho các đơn vị bên ngoài tập đoàn trong kỳ báo cáo, bao gồm tiền lãi vay phát sinh trong kỳ và trả ngay kỳ này, tiền lãi vay phải trả của các kỳ trước đã trả trong kỳ này, lãi tiền vay trả trước trong kỳ này.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số tiền lãi vay đã trả kể từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ) và số tiền lãi vay đã trả kể từ thời điểm thanh lý đến thời điểm cuối kỳ (đối với công ty con bị thanh lý trong kỳ);

+ Số tiền lãi vay đã trả cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn trong kỳ báo cáo;

+ Số tiền lãi vay đã trả trong kỳ được vốn hóa vào giá trị các tài sản dở dang được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Trường hợp số lãi vay đã trả trong kỳ vừa được vốn hóa, vừa được tính vào chi phí tài chính thì kế toán căn cứ tỷ lệ vốn hóa lãi vay áp dụng cho kỳ báo cáo theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay” để xác định số lãi vay đã trả của luồng tiền từ hoạt động kinh doanh và luồng tiền hoạt động đầu tư.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, báo cáo hoặc bảng tổng hợp các khoản vay và chi trả lãi vay giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Chỉ tiêu này được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên BCLCTT của công ty mẹ và các công ty con sau đó trừ đi (-):

+ Tiền lãi vay đã chi trả cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn kỳ báo cáo;

+ Số tiền lãi vay đã trả kể từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ).

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

14. Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp – Mã số 15

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số thuế TNDN công ty mẹ và các công ty con đã nộp trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này không bao gồm số thuế TNDN đã nộp kể từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ)

– Chỉ tiêu này được lập trên cơ sở hợp cộng chỉ tiêu tương ứng của báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo trừ đi (-) số thuế TNDN đã nộp kể từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ).

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

15. Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh – Mã số 16

– Chỉ tiêu này phản ánh các khoản tiền thu khác từ các đơn vị bên ngoài tập đoàn, phát sinh từ hoạt động kinh doanh ngoài các khoản đã nêu ở các mã số từ 01 đến 14, như: Tiền thu từ nguồn kinh phí sự nghiệp, dự án (nếu có); Tiền được các tổ chức, cá nhân bên ngoài thưởng, hỗ trợ ghi tăng các quỹ của doanh nghiệp; Tiền nhận được ghi tăng các quỹ do cấp trên cấp hoặc cấp dưới nộp; Lãi tiền gửi của Quỹ bình ổn giá (nếu không được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính mà ghi tăng Quỹ trực tiếp); Tiền thu từ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp được cổ phần hóa… trong kỳ báo cáo.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Các khoản tiền thu khác từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Các khoản tiền thu khác luỹ kế từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ).

– Căn cứ để lập chi tiêu này là Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo; Báo cáo các khoản nhận ký cược, ký quỹ trong nội bộ tập đoàn và các báo cáo khác có liên quan.

– Chỉ tiêu này được lập bằng cách hợp cộng các chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo trừ đi:

+ Các khoản tiền thu khác từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Các khoản tiền thu khác luỹ kế từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ).

– Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động”.

16. Tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh – Mã số 17

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản tiền chi khác cho các đơn vị bên ngoài tập đoàn, phát sinh từ hoạt động kinh doanh ngoài các khoản đã nêu ở các mã số từ 01 đến 14, như: Tiền chi từ Quỹ khen thưởng, phúc lợi, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; Tiền chi trực tiếp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, dự án; Tiền chi trực tiếp từ Tiền thu cổ phần hóa nộp lên cấp trên, nộp cho chủ sở hữu; Tiền chi phí cổ phần hóa, tiền hỗ trợ người lao động theo chính sách…

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Các khoản tiền chi khác từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Các khoản tiền chi khác luỹ kế từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ).

– Căn cứ để lập chi tiêu này là báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo; Báo cáo các khoản ký cược, ký quỹ trong nội bộ tập đoàn và các báo cáo khác có liên quan.

– Chỉ tiêu này được lập bằng cách hợp cộng các chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo loại trừ:

+ Các khoản tiền chi khác cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Các khoản tiền chi khác luỹ kế từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ).

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động”.

14. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất, kinh doanh – Mã số 20

Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo.

Số liệu chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 08 đến Mã số 17. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì sẽ được ghi dưới hình thức trong ngoặc đơn: (***).

Mã số 20 = Mã số 08 + Mã số 09 + Mã số 10 + Mã số 11 + Mã số 12 + Mã số 13 + Mã số 14 + Mã số 15 + Mã số 16 = Mã số 17

Phần 2:  Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động đầu tư

1. Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác – Mã số 21

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã thực chi trả cho các đơn vị bên ngoài tập đoàn để: Mua sắm, xây dựng TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, tiền chi cho giai đoạn triển khai đã được vốn hoá thành TSCĐ vô hình, tiền chi cho hoạt động đầu tư xây dựng dở dang, đầu tư bất động sản trong kỳ báo cáo. Chi phí sản xuất thử sau khi bù trừ với số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử của TSCĐ hình thành từ hoạt động XDCB được cộng vào chỉ tiêu này (nếu chi lớn hơn thu) hoặc trừ vào chỉ tiêu này (nếu thu lớn hơn chi).

Chỉ tiêu này phản ánh cả số tiền đã thực trả cho các đơn vị bên ngoài tập đoàn để: Mua nguyên vật liệu, tài sản, sử dụng cho XDCB nhưng đến cuối kỳ chưa xuất dùng cho hoạt động đầu tư XDCB; Số tiền đã ứng trước cho nhà thầu XDCB nhưng chưa nghiệm thu khối lượng; Số tiền đã trả để trả nợ người bán trong kỳ liên quan trực tiếp tới việc mua sắm, đầu tư XDCB (kể cả việc thanh toán cho các khoản nợ phải trả từ kỳ trước liên quan đến việc mua sắm, xây dựng TSCĐ, BĐSĐT và tài sản dài hạn khác). Trường hợp mua nguyên vật liệu, tài sản sử dụng chung cho cả mục đích sản xuất, kinh doanh và đầu tư XDCB nhưng cuối kỳ chưa xác định được giá trị nguyên vật liệu, tài sản sẽ sử dụng cho hoạt động đầu tư XDCB hay hoạt động sản xuất, kinh doanh thì số tiền đã trả không phản ánh vào chỉ tiêu này mà phản ánh ở luồng tiền từ hoạt động kinh doanh.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát);

+ Số nhận nợ thuê tài chính, giá trị tài sản phi tiền tệ khác dùng để thanh toán khi mua sắm TSCĐ, BĐSDT, XDCB hoặc giá trị TSCĐ, BĐSĐT, XDCB tăng trong kỳ nhưng chưa được trả bằng tiền;

+ Giá trị TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản dài hạn khác được mua nhưng chưa thanh toán trong kỳ;

+ Số tiền đã chi cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn để mua sắm, xây dựng TSCĐ, BĐSĐT trong kỳ;

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình sử dụng hàng tồn kho cho hoạt động đầu tư, xây dựng TSCĐ, BĐSĐT kỳ báo cáo;

+ Báo cáo đầu tư, xây dựng và mua sắm TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản khác của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu liên quan đến TSCĐ, BĐSĐT và tài sản dài hạn khác trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó:

+ Trừ đi giá trị TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn được mua trong kỳ nhưng chưa thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ;

+ Cộng với giá trị TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản dài hạn khác giảm do thanh lý, nhượng bán trong kỳ;

+ Cộng với khoản tiền trả trước cho người bán hoặc tiền trả nợ liên quan đến hoạt động đầu tư mua sắm TSCĐ, BĐSĐT, XDCB; Khoản tiền đã chi để mua NVL dùng cho hoạt động XDCB;

+ Cộng với số dư TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ;

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó điều chỉnh cho những biến động về giá trị của TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn;

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

2. Tiền thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác – Mã số 22

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã thu từ các đơn vị bên ngoài tập đoàn khi thanh lý, nhượng bán TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác trong kỳ báo cáo (kể cả số tiền thu hồi từ các khoản nợ phải thu từ kỳ trước liên quan đến việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và tài sản dài hạn khác).

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số tiền thu được từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát); Số tiền đã thu từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn khi thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản dài hạn khác trong kỳ;

+ Giá trị tài sản phi tiền tệ thu được khi thanh lý, nhượng bán TSCĐ; BĐSĐT và các tài sản dài hạn khác trong kỳ;

+ Giá trị TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản dài hạn khác được thanh lý, nhượng bán nhưng chưa thu được tiền trong kỳ;

+ Khoản chi phí phi tiền tệ liên quan đến hoạt động thanh lý nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và giá trị còn lại của TSCĐ, BĐSĐT do đem đi góp vốn liên doanh, liên kết hoặc các khoản tổn thất.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;

+ Báo cáo thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản khác của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số thu chi tiết từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và tài sản dài hạn khác trong kỳ trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác trừ đi (-) giá trị TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn được thanh lý, nhượng bán trong kỳ nhưng chưa thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ.

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó điều chỉnh cho những biến động về giá trị của TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn;

– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư.

3. Tiền chi cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác – Mã số 23

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã gửi vào ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng, tiền đã chi cho các đơn vị bên ngoài tập đoàn vay, tiền chi của bên mua trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và REPO chứng khoán, chi mua các công cụ nợ của đơn vị khác (trái phiếu, thương phiếu, cổ phiếu ưu đãi phân loại là nợ phải trả…) vì mục đích đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn trong kỳ báo cáo.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số tiền chi cho vay của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát);

+ Tiền chi mua các công cụ nợ được coi là các khoản tương đương tiền và mua các công cụ nợ vì mục đích thương mại;

+ Các khoản cho vay bằng tài sản phi tiền tệ; Các khoản trái phiếu nhận được từ giao dịch bán tài sản cho đơn vị khác;

+ Tiền chi cho vay hoặc mua công cụ nợ của các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình cho vay kỳ báo cáo;

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn” và “Phải thu về cho vay” (chi tiết các khoản cho vay ngắn hạn và dài hạn) trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó:

+ Trừ đi các khoản cho vay bằng tài sản phi tiền tệ hoặc trái phiếu nhận được từ giao dịch bán tài sản cho đơn vị khác;

+ Cộng với giá trị các khoản cho vay, công cụ nợ của đơn vị khác giảm do thu hồi gốc vay hoặc bán lại công cụ nợ của đơn vị khác;

+ Cộng với số dư chi tiết các khoản cho vay (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư các khoản cho vay (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ;

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó điều chỉnh cho những biến động về các khoản cho vay phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn;

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

4. Tiền thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác – Mã số 24

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã thu hồi các khoản gốc cho vay, tiền thu hồi từ việc bán lại công cụ nợ (nắm giữ đến ngày đáo hạn) của các đơn vị bên ngoài tập đoàn (kể cả số tiền thu hồi từ các khoản nợ phải thu từ kỳ trước liên quan đến việc bán lại công cụ nợ của đơn vị khác); Thu hồi tiền gửi ngân hàng trong kỳ báo cáo.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số tiền thu hồi gốc vay, tiền thu từ việc bán lại công cụ nợ của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát);

+ Tiền thu hồi từ các công cụ nợ được coi là các khoản tương đương tiền và các công cụ nợ nắm giữ vì mục đích kinh doanh;

+ Các khoản thu hồi gốc vay bằng tài sản phi tiền tệ hoặc công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị khác;

+ Tiền thu hồi gốc vay hoặc bán lại công cụ nợ cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình thu hồi các khoản cho vay kỳ báo cáo;

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số thu chi tiết từ việc thu hồi gốc vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác trong kỳ trên Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác, sau đó:

+ Trừ đi (-) các khoản thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ chưa được thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ; Các khoản thu hồi công cụ nợ nắm giữ vì mục đích kinh doanh;

+ Trừ đi (-) các khoản thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ số tiền thu hồi gốc vay và bán lại công cụ nợ phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư.

5. Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác – Mã số 25

– Chỉ tiêu này phản ánh:

+ Tổng số tiền đã chi để đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác bên ngoài tập đoàn trong kỳ báo cáo (kể cả tiền chi trả nợ để mua công cụ vốn từ kỳ trước), bao gồm tiền chi đầu tư, góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư góp vốn dài hạn, ngắn hạn khác.

+ Số tiền thuần đã chi để đạt được quyền kiểm soát công ty con trong kỳ báo cáo, được xác định bằng tổng số tiền bỏ ra để mua công ty con trừ đi (-) tổng số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển của công ty con tại thời điểm mua. Ví dụ: Tập đoàn mua một công ty con với giá 15 tỷ đồng trả bằng tiền mặt. Tại thời điểm mua, tổng số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của công ty con là 2 tỷ. Số liệu để trình bày vào chỉ tiêu này là 13 tỷ;

+ Số tiền công ty mẹ trả cho cổ đông không kiểm soát để mua thêm phần vốn của các công ty con trong kỳ; Số tiền các công ty con trả cho các cổ đông khác (ngoài cổ đông trong nội bộ tập đoàn) để mua thêm phần vốn của các công ty con khác trong nội bộ tập đoàn. Ví dụ: Trong kỳ công ty mẹ (hoặc các công ty con) mua thêm phần vốn ở một công ty con khác trong nội bộ tập đoàn là 1 tỷ đồng gồm 800 triệu bằng tiền mặt, 200 triệu bằng TSCĐ. Khoản tiền này chi trả trực tiếp cho cổ đông không kiểm soát của công ty con và làm giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông không kiểm soát (nhưng tổng vốn chủ sở hữu của công ty con không thay đổi). Số liệu để trình bày vào chỉ tiêu này là 800 triệu.

– Chỉ tiêu này không phản ánh luồng tiền phát sinh từ các giao dịch sau:

+ Tiền chi mua cổ phiếu vì mục đích kinh doanh của công ty bên ngoài tập đoàn. Ví dụ trong kỳ công ty mẹ mua 100 triệu cổ phiếu bằng tiền mặt với ý định nắm giữ chờ tăng giá sẽ bán. Số tiền 100 triệu không được trình bày ở chỉ tiêu này mà được trình bày ở chỉ tiêu “Tăng, giảm chứng khoán kinh doanh”;

+ Tiền góp vốn vào các công ty trong nội bộ tập đoàn và làm tăng vốn chủ sở hữu của các công ty được nhận thêm vốn góp. Ví dụ: Tổng số vốn chủ sở hữu của công ty con là 5 tỷ đồng. Trong kỳ công ty mẹ và các công ty con khác góp thêm vốn vào công ty con này 2 tỷ đồng bằng tiền mặt làm vốn chủ sở hữu của công ty con tăng từ 5 tỷ lên 7 tỷ đồng. Số tiền 2 tỷ đồng này được loại khỏi chỉ tiêu này và không được trình bày trên BCLCTT hợp nhất;

+ Số tiền chi góp vốn đầu tư vào đơn vị khác của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát);

+ Các giao dịch góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ, Ví dụ: Trong kỳ tập đoàn góp vốn vào công ty liên kết, bao gồm 6 tỷ đồng là tiền mặt và 4 tỷ đồng là TSCĐ. Số liệu để trình bày vào chỉ tiêu này được xác định là 6 tỷ;

+ Đầu tư dưới hình thức phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu; Chuyển công cụ nợ thành vốn góp hoặc còn nợ chưa thanh toán.

+ Chênh lệch giữa số đầu kỳ và cuối kỳ trong giá trị của khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác kỳ báo cáo;

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu “Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết”, “Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” (chi tiết các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác) trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó:

+ Cộng với khoản đầu tư vào công ty con dưới hình thức mua lại phần vốn góp bằng tiền và trừ số tiền công ty con được mua có sẵn tại thời điểm mua; (Chỉ tiêu này không bao gồm giá trị khoản đầu tư vào công ty con dưới hình thức góp vốn bằng tiền);

+ Cộng với giá trị các khoản đầu tư, góp vốn giảm do thu hồi vốn góp đầu tư hoặc bán lại phần vốn góp vào đơn vị khác;

+ Cộng với số dư các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư các khoản chi tiết các khoản nêu trên (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ;

+ Trừ đi các khoản đầu tư, góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ; Phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu; Chuyển công cụ nợ thành vốn góp hoặc còn nợ chưa thanh toán;

+ Loại trừ phần chênh lệch giữa thời điểm cuối kỳ và thời điểm đầu kỳ của giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu;

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó điều chỉnh cho những biến động về các khoản vốn góp phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn;

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

6. Tiền thu hồi đầu tư vốn vào đơn vị khác – Mã số 26

– Chỉ tiêu này phản ánh:

+ Tổng số tiền thu hồi các khoản đầu tư vốn vào đơn vị khác bên ngoài tập đoàn (Do bán lại, rút bớt phần vốn hoặc thanh lý các khoản vốn đã đầu tư vào đơn vị khác) trong kỳ báo cáo (kể cả tiền thu nợ phải thu bán công cụ vốn từ kỳ trước), như: Tiền thu hồi các khoản đầu tư, góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Ví dụ trong kỳ công ty mẹ bán khoản đầu tư vào công ty liên kết với giá 3 tỷ đồng trong đó thu bằng tiền mặt là 2 tỷ đồng, thu bằng trái phiếu Chính phủ 1tỷ đồng. Số liệu để trình bày vào chỉ tiêu này là 2 tỷ.

+ Số tiền thuần đã thu khi thanh lý toàn bộ hoặc một phần công ty con dẫn đến mất quyền kiểm soát trong kỳ báo cáo, được xác định bằng tổng số tiền thu được khi thanh lý công ty con trừ đi (-) tổng số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển của công ty con tại thời điểm thanh lý. Ví dụ: Công ty Mẹ bán một công ty con với giá 75 tỷ đồng. gồm 48 tỷ đồng trái phiếu và 27 tỷ đồng bằng tiền mặt. Tại thời điểm bán, công ty con có số dư tiền là 13 tỷ. Số liệu trình bày vào chỉ tiêu này là: 27tỷ – 13tỷ = 14tỷ.

+ Số tiền công ty mẹ thu từ cổ đông không kiểm soát bên ngoài tập đoàn khi bán bớt phần vốn của các công ty con trong kỳ (nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát); Số tiền các công ty con thu được từ các cổ đông khác bên ngoài tập đoàn khi bán bớt phần vốn của các công ty con khác trong nội bộ tập đoàn. Ví dụ: Trong kỳ công ty mẹ (hoặc các công ty con) bán bớt phần vốn ở một công ty con khác cho các cổ đông bên ngoài. Số thu về là 1 tỷ đồng gồm 800 triệu bằng tiền mặt, 200 triệu bằng TSCĐ. Khoản tiền này thu từ cổ đông bên ngoài tập đoàn làm tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông không kiểm soát (nhưng tổng vốn chủ sở hữu của công ty con không thay đổi). Số liệu để trình bày vào chỉ tiêu này là 800 triệu.

+ Số tiền thu hồi từ các khoản nợ phải thu từ kỳ trước liên quan đến việc bán lại phần vốn đầu tư vào đơn vị khác.

– Chỉ tiêu này không phản ánh luồng tiền phát sinh từ các giao dịch sau:

+ Tiền thu do bán cổ phiếu nắm giữ vì mục đích kinh doanh; Giá trị khoản đầu tư được thu hồi bằng tài sản phi tiền tệ, bằng công cụ nợ hoặc công cụ vốn của đơn vị khác; Hoặc chưa được thanh toán bằng tiền.

+ Tiền rút lại vốn góp vào các công ty trong nội bộ tập đoàn và làm giảm vốn chủ sở hữu của các công ty bị thu hồi vốn. Ví dụ: Tổng số vốn chủ sở hữu của công ty con là 5 tỷ đồng. Trong kỳ công ty mẹ quyết định giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu của công ty con dưới hình thức huỷ bỏ một số lượng cổ phiếu (hoặc trả lại một phần vốn góp của các bên). Số tiền công ty mẹ thu về là 1 tỷ đồng bằng tiền mặt được loại khỏi chỉ tiêu này và không được trình bày trên BCLCTT hợp nhất.

+ Số tiền thu hồi vốn đầu tư vào đơn vị khác của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát);

+ Các giao dịch thu hồi vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ, Ví dụ: Trong kỳ tập đoàn thu hồi vốn góp vào công ty liên kết, bao gồm 10 tỷ đồng là tiền mặt và 4 tỷ đồng là TSCĐ. Số liệu để trình bày vào chỉ tiêu này được xác định là 10 tỷ;

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình thu hồi vốn góp vào đơn vị khác kỳ báo cáo.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số thu chi tiết từ việc thu hồi hoặc bán lại vốn đầu tư vào đơn vị khác trong kỳ trên Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác, sau đó:

+ Trừ đi các khoản thu hồi vốn góp chưa được thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ.

+ Trừ đi các khoản thu hồi vốn góp từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản tiền thu hồi vốn đầu tư vào các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư.

7. Thu lãi tiền cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia – Mã số 27

– Chỉ tiêu này phản ánh số tiền thu về các khoản tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận nhận được từ hoạt động đầu tư, góp vốn vào các đơn vị khác bên ngoài tập đoàn trong kỳ báo cáo (kể cả số tiền thu hồi các khoản nợ phải thu phát sinh từ các kỳ trước liên quan đến phần tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia).

– Chỉ tiêu này không bao gồm:

+ Các khoản tiền lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận nhận được từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Các khoản tiền lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận công ty con nhận được trước ngày bị công ty mẹ kiểm soát;

+ Các khoản tiền lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận phải thu hoặc nhận được bằng tài sản phi tiền tệ, được trả bằng cổ phiếu.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình thu tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ khoản vốn góp vào đơn vị khác kỳ báo cáo.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số thu chi tiết từ việc thu tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ khoản vốn góp vào đơn vị khác trong kỳ trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác, sau đó:

+ Trừ đi các khoản tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ khoản vốn góp vào đơn vị khác trong kỳ chưa được thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ, bằng cổ phiếu;

+ Trừ đi các khoản tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

+ Trừ đi các khoản tiền lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận công ty con nhận được trước ngày bị công mẹ kiểm soát.

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư.

Ví dụ: Xác định số cổ tức, lợi nhuận thu được từ công ty liên doanh, liên kết (Biết rằng công ty liên doanh, liên kết không trả cổ tức, lợi nhuận bằng cổ phiếu hoặc tài sản phi tiền tệ).

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất cho năm 20X2.

                                                                                                     tỷ VND

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn                                    60

Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết                                                10

Lợi nhuận trước thuế                                                                            70

Thuế                                                                                                  (15)

Lợi nhuận sau thuế                                                                                55

Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/20X2.

                                                                        20X2                20X1

                                                                        tỷ VND              tỷ VND

Đầu tư vào công ty liên kết                                     92                    88

Việc xác định số cổ tức bằng tiền nhận được từ công ty liên doanh, liên kết thực hiện như sau:

                                                                               tỷ VND

Đầu tư vào công ty liên kết đầu kỳ                                     88

Cộng: Lợi nhuận từ công ty liên kết                                   10

                                                                                      98

Tiền cổ tức nhận được β (ẩn số)                                        (6)

Đầu tư vào công ty liên kết cuối kỳ                                   92

8. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư – Mã số 30

Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động đầu tư trong kỳ báo cáo.

Chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 21 đến Mã số 27. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì được ghi dưới hình thức trong ngoặc đơn (***).

Mã số 30 = Mã số 21 + Mã số 22 + Mã số 23 + Mã số 24

+ Mã số 25 + Mã số 26 + Mã số 27

Phần 3:  Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động tài chính

1. Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu – Mã số 31

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã thu từ cổ đông bên ngoài tập đoàn góp vốn bằng tiền trong kỳ báo cáo. Đối với công ty cổ phần, chỉ tiêu này phản ánh số tiền đã thu do phát hành cổ phiếu phổ thông theo giá thực tế phát hành, kể cả tiền thu từ phát hành cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu và phần quyền chọn của trái phiếu chuyển đổi.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Các khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, khoản đi vay hoặc nợ phải trả được chuyển thành vốn cổ phần hoặc nhận vốn góp của chủ sở hữu bằng tài sản phi tiền tệ;

+ Số tiền đã thu do phát hành cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả; Cấu phần nợ gốc của công cụ nợ có quyền chuyển đổi thành công cụ vốn (như trái phiếu chuyển đổi…)

+ Tiền thu từ việc nhận vốn góp của các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Số tiền thu từ việc công ty con được mua trong kỳ nhận vốn góp của chủ sở hữu (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát).

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình nhận vốn góp của chủ sở hữu trong kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy số dư cuối kỳ trừ số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu “Vốn góp của chủ sở hữu”, “Thặng dư vốn cổ phần”, “Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu”, “Vốn khác của chủ sở hữu” trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất, sau đó:

+ Trừ đi (-) các khoản nhận vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ hoặc chuyển nợ phải trả thành vốn chủ sở hữu; khoản vốn cổ phần tăng do trả cổ tức bằng cổ phiếu

+ Cộng với các khoản hoàn trả vốn góp cho chủ sở hữu bên ngoài tập đoàn.

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản tiền thu hồi vốn đầu tư vào các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính.

2. Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu đã phát hành – Mã số 32

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã trả do hoàn lại vốn góp cho các chủ sở hữu bên ngoài tập đoàn dưới các hình thức hoàn trả bằng tiền hoặc mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành bằng tiền để huỷ bỏ hoặc sử dụng làm cổ phiếu quỹ trong kỳ báo cáo.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số tiền hoàn trả vốn góp cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Số tiền hoàn trả vốn góp của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát).

+ Các khoản hoàn trả vốn góp cho chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu đã phát hành bằng tài sản phi tiền tệ.

+ Khoản vốn góp được ghi giảm để bù lỗ kinh doanh.

+ Số tiền trả lại gốc cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình chi trả vốn góp, mua lại cổ phiếu đã phát hành trong kỳ báo cáo.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số đã chi trả (chi tiết chi trả vốn góp cho chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu đã phát hành) của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất, sau đó:

+ Trừ đi các khoản hoàn trả vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ;

+ Trừ đi Khoản vốn góp được ghi giảm để bù lỗ kinh doanh

+ Trừ đi số tiền hoàn trả vốn góp cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản hoàn trả vốn góp cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

3. Tiền thu từ đi vay – Mã số 33

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã nhận được do doanh nghiệp đi vay ngắn hạn, dài hạn của ngân hàng, các tổ chức tài chính, tín dụng và các đối tượng khác bên ngoài tập đoàn trong kỳ báo cáo (kể số tiền vay chuyển thẳng cho nhà thầu, người cung cấp hàng hoá dịch vụ, không chạy qua tài khoản của đơn vị). Chỉ tiêu này cũng bao gồm số tiền bên bán nhận được trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và các giao dịch Repo chứng khoán khác.

+ Đối với các khoản vay bằng trái phiếu, chỉ tiêu này phản ánh số tiền đã thu được theo số thực thu (Bằng mệnh giá trái phiếu điều chỉnh với các khoản chiết khấu, phụ trội trái phiếu hoặc lãi trái phiếu trả trước);

+ Đối với trái phiếu chuyển đổi, chỉ tiêu này phản ánh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi thu được trong kỳ

+ Đối với cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả: Chỉ tiêu này phản ánh thực thu từ việc phát hành cổ phiếu ưu đãi. Nếu bên phát hành chỉ có nghĩa vụ mua lại theo mệnh giá thì chỉ tiêu này phản ánh mệnh giá cổ phiếu ưu đãi. Phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh gí được điều chỉnh trên chỉ tiêu Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu – Mã số 31.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Các khoản tiền vay nhận được từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Các khoản vay thu được bằng tài sản phi tiền tệ; Khoản nợ thuê tài chính phát sinh trong kỳ

+ Các khoản vay của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát);

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình biến động các khoản đi vay trong kỳ báo cáo;

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu “Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn”, “Vay và nợ thuê tài chính dài hạn”, “Trái phiếu chuyển đổi”, “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ (Mã số 324), “Cổ phiếu ưu đãi” (Mã số 342) trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó:

+ Trừ đi (-) các khoản vay bằng tài sản phi tiền tệ và các khoản nhận nợ thuê tài chính phát sinh trong kỳ;

+ Cộng với giá trị các khoản hoàn trả gốc vay trong kỳ;

+ Cộng với số dư các khoản vay ngắn hạn, dài hạn (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư các khoản chi tiết các khoản nêu trên (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ.

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản vay từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính.

4. Tiền trả nợ gốc vay – Mã số 34

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã trả cho các đối tượng khác bên ngoài tập đoàn về khoản nợ gốc vay, kể cả tiền trả nợ gốc trái phiếu thông thường, trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu ưu đãi có điều khoản bắt buộc người phát hành phải mua lại tại một thời điểm nhất định trong tương lai (được phân loại là nợ phải trả) trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này cũng bao gồm số tiền bên bán đã trả lại cho bên mua trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và các giao dịch Repo chứng khoán khác.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số tiền hoàn trả gốc vay cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Số tiền hoàn trả gốc vay của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát).

+ Các khoản hoàn trả gốc vay bằng tài sản phi tiền tệ hoặc chuyển nợ vay thành vốn góp.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác, ;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình chi trả gốc vay trong kỳ báo cáo.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số tiền đã chi trả gốc vay của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ, sau đó:

+ Trừ đi (-) các khoản hoàn trả gốc vay bằng tài sản phi tiền tệ;

+ Trừ đi (-) các khoản hoàn trả gốc vay cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản hoàn trả gốc vay cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

5. Tiền chi trả nợ gốc thuê tài chính – Mã số 35

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã trả về khoản nợ thuê tài chính cho các đơn vị bên ngoài tập đoàn trong kỳ báo cáo.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Số tiền trả nợ thuê tài chính cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;

+ Số tiền trả nợ thuê tài chính của công ty con được mua trong kỳ (trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát).

+ Các khoản trả nợ thuê tài chính bằng tài sản phi tiền tệ hoặc chuyển nợ thuê tài chính thành vốn góp.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình chi trả gốc vay trong kỳ báo cáo.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số đã chi trả nợ thuê tài chính của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất, sau đó:

+ Trừ đi (-) khoản trả nợ thuê tài chính bằng tài sản phi tiền tệ;

+ Trừ đi (-) các khoản trả nợ thuê tài chính cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản trả nợ thuê tài chính cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

6. Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu – Mã số 36

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã trả cổ tức và lợi nhuận cho các chủ sở hữu bên ngoài tập đoàn trong kỳ báo cáo.

– Chỉ tiêu này không phản ánh:

+ Khoản cổ tức hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chuyển thành vốn góp của chủ sở hữu (như trả cổ tức bằng cổ phiếu);

+ Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu bằng các tài sản phi tiền tệ;

+ Khoản cổ tức, lợi nhuận công ty con được mua trong kỳ đã trả cho chủ sở hữu trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát;

+ Các khoản cổ tức, lợi nhuận đã trả trong nội bộ tập đoàn.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác;

+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình thu tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ khoản vốn góp vào đơn vị khác kỳ báo cáo.

– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số cổ tức, lợi nhuận đã trả cho các chủ sở hữu bên ngoài tập đoàn trong kỳ trên Báo cáo tài chính hợp nhất, sau đó:

+ Trừ đi (-) khoản cổ tức hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trả cho các chủ sở hữu bên ngoài tập đoàn bằng cổ phiếu và bằng các tài sản phi tiền tệ;

+ Trừ đi (-) khoản cổ tức, lợi nhuận công ty con được mua trong kỳ đã trả các chủ sở hữu trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát;

– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản cổ tức, lợi nhuận đã trả cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.

– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).

7. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính – Mã số 40

Chỉ tiêu lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động tài chính trong kỳ báo cáo.

Chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 31 đến Mã số 36.

Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (***).

Mã số 40 = Mã số 31+Mã số 32+Mã số 33 + Mã số 34 + Mã số 35 + Mã số 36

Phần 4:  Tổng hợp các luồng tiền trong kỳ

1. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ – Mã số 50

Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ ba loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Mã số 50 = Mã số 20 + Mã số 30 + Mã số 40

Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (***).

2. Tiền và tương đương tiền đầu kỳ – Mã số 60

– Chỉ tiêu này phản ánh số dư của tiền và tương đương tiền đầu kỳ báo cáo, bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển và các khoản tương đương tiền.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số dư của tiền và tương đương tiền đầu kỳ báo cáo – Mã số 110, cột “Số đầu kỳ” trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất.

3. Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái – Mã số 61

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng số chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối kỳ của tiền và các khoản tương đương tiền bằng ngoại tệ tại thời điểm cuối kỳ báo cáo và khoản chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con lập bằng đồng tiền khác với đồng tiền kế toán của công ty mẹ.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất (chi tiết phần chênh lệch đánh giá lại số dư tiền bằng ngoại tệ), Bảng cân đối kế toán hợp nhất, BCLCTT của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được xác định bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên BCLCTT của công ty mẹ và các công ty con và phần chênh lệch tỷ giá hối đoái do chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Chỉ tiêu này có thể được ghi bằng số dương hoặc số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

4. Tiền và tương đương tiền cuối kỳ – Mã số 70

– Chỉ tiêu này phản ánh số dư của tiền và tương đương tiền cuối kỳ báo cáo, bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển và các khoản tương đương tiền.

– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số dư của tiền và tương đương tiền cuối kỳ báo cáo – Mã số 110, cột “Số cuối kỳ” trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Mã số 70 = Mã số 50 + Mã số 60 + Mã số 61 + Mã số 62

Kế toán Ytho đã giới thiệu đến các bạn bài học: Hướng dẫn lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất gián tiếp. Các bạn có những vướng mắc về bài học: Hướng dẫn lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất gián tiếp vui lòng để lại bình luận để mọi người cùng tham khảo

Bài giảng lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất