Lịch sử của kế toán
Chào các bạn, đây là bài đầu tiên của tôi trong thư mục “Nguyên lý kế toán”. Nói đến lịch sử thì có thể bạn đang nghĩ sẽ rất dài dòng và “buồn ngủ” :))))))))). Tôi sẽ cố gắng trình bày dễ hiểu nhất để bạn dễ “sao chép vào não” và nhớ thật lâu. Bắt đầu nhé!!!
Có thể nói, sự hình thành và phát triển của khoa học kế toán gắn liền với sự hình thành và phát triển của đời sống kinh tế, xã hội loài người từ thấp lên cao mà khởi điểm là nền sản xuất hàng hóa. Trong giai đoạn này, công việc sản xuất không chỉ nhằm tự túc trong một gia đình hay bộ tộc mà xã hội đã có sự trao đổi sản phẩm giữa những người sản xuất với nhau từ đó yêu cầu theo dõi, tính toán hiệu quả của những hoạt động này đã được đặt ra nhằm mục đích khai thác một cách tốt nhất năng lực sản xuất hiện có. Tức là phải thực hiện công tác kế toán để cung cấp các thông tin cần thiết.
Lịch sử của kế toán
Tuy nhiên, khi trình độ sản xuất còn thô sơ, khối lượng sản phẩm thu được trong không nhiều; nghiệp vụ trao đổi giản đơn thì người chủ sản xuất chỉ cần trí nhớ hoặc dùng các phương pháp ghi nhận đơn giản là có thể nhận thức được tình hình cũng như kết quả của hoạt động kinh tế. Khi nền kinh tế xã hội phát triển ở trình độ cao hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra nhiều hơn thì phải dùng đến một vài quyển sổ để ghi chép diễn biến của các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên nếu công việc không có gì phức tạp lắm thì người chủ sản xuất có thể vừa là người tổ chức sản xuất vừa thực hiện luôn việc ghi chép sổ sách và tính toán kết quả tài chính (thường là ghi sổ đơn). Khi trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất và sự phân công lao động đạt đến đỉnh cao thì người chủ cơ sở sản xuất kinh doanh không thể là người sản xuất, vừa là người bán hàng, là thủ kho, thủ quỹ vừa ghi chép sổ sách để theo dõi tình hình và tính toán hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khi đó nhất thiết phải có các bộ phận thừa hành thực hiện các công việc có tính chất nghiệp vụ kỹ thuật chuyên môn như:
• Bộ phận kinh doanh: tìm hiểu nhu cầu thị trường, đề xuất mẫu mã mặt hàng, lập kế hoạch mua bán vật tư, sản phẩm, hàng hóa.
• Bộ phận kỹ thuật: nghiên cứu thiết kế mẫu mã, xây dựng quy trình công nghệ, yêu cầu chất lượng, định mức hao phí lao động vật tư…
• Bộ phận sản xuất: tổ chức thực hiện các lệnh sản xuất theo đúng tiến độ, đúng yêu cầu chất lượng với hao phí thấp nhất.
• Bộ phận kế toán: tổ chức huy động vốn, theo dõi tình hình và tính toán kết quả sản xuất kinh doanh; ghi chép sổ sách và lập các báo cáo tài chính (ghi sổ kép).
Mỗi bộ phận thực hiện một nhiệm vụ. Nói riêng về kế toán, bạn có thể hiểu như sau: Đứng trước những khó khăn hay công việc, người quản lý cần đưa ra những quyết định. Nếu như những quyết định đó liên quan đến sự sống còn của công ty, dĩ nhiên họ không thể quyết định mà hoàn toàn dựa vào cảm tính của mình. Họ cần có thông tin để đưa ra những quyết định đúng đắn và kế toán cho họ những thông tin đó.
Chắc chắn sẽ có những điều khiến bạn chưa hài lòng, hãy comment bên dưới, tôi sẽ trả lời tất cả các câu hỏi của các bạn. Hân hạnh!