Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất bao gồm các phần như sau: Phần 1: Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, Phần 2: Nguyên tắc điều chỉnh ảnh hưởng từ giao dịch mua, thanh lý công ty con trong kỳ đến Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, Phần 3: Điều chỉnh ảnh hưởng trực tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến luồng tiền từ hoạt động đầu tư, Phần 4: Điều chỉnh ảnh hưởng gián tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến các luồng tiền trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.
Các bạn cần nắm kỹ Các nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất để phân biệt với cách lập báo cáo tài chính thông thường.
Sau đây kế toán Ytho xin giới thiệu đến các bài học: Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
Phần 1: Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
Ngoài các nguyên tắc lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thông thường cho từng doanh nghiệp độc lập, khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất còn phải tôn trọng một số nguyên tắc sau:
1. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất chỉ phản ánh các dòng tiền phát sinh giữa tập đoàn với các đối tượng bên ngoài tập đoàn như khách hàng và nhà cung cấp bên ngoài; Người cho vay bên ngoài, cổ đông, các công ty liên doanh, liên kết…, không phản ánh các luồng tiền nội bộ phát sinh giữa công ty mẹ và công ty con, giữa các công ty con với nhau.
2. Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh chỉ được lập theo phương pháp gián tiếp (không áp dụng phương pháp trực tiếp) trên cơ sở sử dụng Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất và Bảng cân đối kế toán hợp nhất (xác định phần chênh lệch giữa số đầu kỳ và cuối kỳ của từng chỉ tiêu) sau đó điều chỉnh cho các giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con:
Khi một công ty con được mua hoặc bán trong năm thì số đầu năm và số cuối năm của Bảng cân đối kế toán hợp nhất của toàn tập đoàn sẽ không nhất quán. Số đầu năm của Bảng cân đối kế toán hợp nhất sẽ bao gồm số liệu của công ty con đã được thanh lý trong năm nhưng không bao gồm trong số cuối năm. Ngược lại số đầu năm của Bảng cân đối kế toán hợp nhất không bao gồm số liệu của công ty con được mua trong năm nhưng lại gồm trong số cuối năm. Trong quá trình tính toán cần phải thực hiện những điều chỉnh phù hợp cho số liệu đầu kỳ như sau:
– Cộng thêm số dư tài sản, nợ phải trả của công ty con được mua trong kỳ theo số liệu tại thời điểm mua;
– Loại trừ số dư tài sản, nợ phải trả của công ty con được bán trong kỳ theo số liệu tại thời điểm bán.
3. Luồng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc trực tiếp có điều chỉnh:
a) Phương pháp trực tiếp có điều chỉnh: Trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp công ty mẹ mua thêm hoặc thanh lý công ty con trong kỳ, công ty mẹ ưu tiên áp dụng phương pháp này khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất. Phương pháp trực tiếp có điều chỉnh được lập trên cơ sở Bảng Cân đối kế toán hợp nhất (xác định phần chênh lệch giữa số đầu kỳ và cuối kỳ của từng chỉ tiêu) và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và điều chỉnh cho các giao dịch phi tiền tệ; Các giao dịch mua, bán công ty con trong kỳ. Khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, doanh nghiệp phải xác định được ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến dòng tiền khi mua, bán các công ty con trong kỳ báo cáo, cụ thể:
– Nếu công ty con có số dư tiền và tương đương tiền tại ngày công ty mẹ mua hoặc thanh lý công ty con thì số tiền chi ra khi mua hoặc nhận về khi thanh lý công ty con được trình bày trên cơ sở thuần (sau khi đã loại trừ ảnh hưởng đối với số dư tiền hoặc tương đương tiền của công ty con được mua hoặc bị thanh lý).
– Cộng thêm số dư tài sản, nợ phải trả của công ty con được mua trong kỳ theo số liệu tại thời điểm mua;
– Loại trừ số dư tài sản, nợ phải trả của công ty con được bán trong kỳ theo số liệu tại thời điểm bán.
b) Phương pháp trực tiếp chỉ được lập trong trường hợp công ty mẹ không mua thêm hoặc thanh lý công ty con trong kỳ và không thể áp dụng phương pháp trực tiếp có điều chỉnh. Phương pháp này được lập trên cơ sở cộng gộp các chỉ tiêu của luồng tiền từ hoạt động đầu tư và luồng tiền từ hoạt động tài chính trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ riêng của công ty mẹ và từng công ty con, sau đó loại trừ ảnh hưởng của các luồng tiền phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn:
– Các khoản tiền thu hoặc chi từ giao dịch mua, bán TSCĐ, BĐSĐT trong nội bộ tập đoàn kỳ báo cáo phải được loại trừ;
– Các khoản tiền đầu tư hoặc thu hồi công cụ vốn, công cụ nợ; Các khoản tiền đi vay, nhận vốn góp, trả nợ gốc vay, trả lại vốn góp trong nội bộ tập đoàn kỳ báo cáo phải được loại trừ;
– Các luồng tiền liên quan đến lãi cho vay thu được, cổ tức, lợi nhuận được chia hoặc đã trả bằng tiền trong nội bộ tập đoàn kỳ báo cáo cần phải được được loại trừ.
Phần 2: Nguyên tắc điều chỉnh ảnh hưởng từ giao dịch mua, thanh lý công ty con trong kỳ đến Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
1. Luồng tiền mua hoặc thanh lý công ty con bị ảnh hưởng bởi số dư tiền và tương đương tiền của công ty con tại thời điểm công ty mẹ mua hoặc thanh lý công ty con. Vì vậy công ty mẹ phải điều chỉnh trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất đối với số dư tiền và tương đương tiền tại công ty con được bán hoặc thanh lý.
2. Khi mua hoặc thanh lý công ty con, công ty mẹ phải loại trừ toàn bộ các khoản phi tiền tệ chi trả hoặc thu được ra khỏi Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất. Công ty mẹ phải xác định chi tiết:
a) Tổng giá mua hoặc giá thanh lý công ty con;
b) Phần giá mua hoặc giá thanh lý được thanh toán bằng tiền, tương đương tiền và bằng các tài sản phi tiền tệ hoặc các khoản nợ phải trả phát sinh liên quan trực tiếp tới việc mua, thanh lý công ty con.
3. Khi công ty mẹ mua hoặc thanh lý công ty con, tài sản và nợ phải trả của công ty con được mua hoặc bị thanh lý sẽ ảnh hưởng đến Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Do đó công ty mẹ phải điều chỉnh trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất đối với giá trị các tài sản hoặc nợ phải trả (ngoài các khoản tiền và tương đương tiền) của công ty con được mua hoặc thanh lý (bao gồm cả lợi thế thương mại nếu có).
Phần 3: Điều chỉnh ảnh hưởng trực tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến luồng tiền từ hoạt động đầu tư
1. Các khoản tiền chi ra khi mua hoặc thu về thanh lý công ty con được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư.
2. Khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, Công ty mẹ phải trình bày luồng tiền thu về hoặc chi ra trên cơ sở thuần bằng cách điều chỉnh với số tiền và tương đương tiền của công ty con sẵn có tại thời điểm mua hoặc thanh lý:
– Số tiền hoặc tương đương tiền chi ra để mua công ty con được giảm trừ với số tiền hoặc tương đương tiền công ty con có sẵn tại thời điểm được mua;
– Số tiền hoặc tương đương tiền thu về khi thanh lý công ty con được giảm trừ với số tiền hoặc tương đương tiền công ty con có sẵn tại thời điểm bị thanh lý.
Ví dụ: Trình bày luồng tiền mua, thanh lý công ty con
– Công ty mẹ thanh lý toàn bộ một công ty con với giá 75 tỷ VND. Hình thức thanh toán mà bên mua trả cho công ty mẹ như sau:
Trái phiếu 48 tỷ
Tiền 27 tỷ
75 tỷ
Tại thời điểm thanh lý, công ty con có số dư tiền là 5 tỷ
Chỉ tiêu “Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được trình bày là 22 tỷ (27 tỷ – 5 tỷ)
– Công ty mẹ mua một công ty con với giá 100 tỷ VND, hình thức thanh toán của công ty mẹ như sau:
Phát hành cổ phiếu cho bên bán (giá trị hợp lý): 60 tỷ
Thanh toán bằng tiền: 30 tỷ
Thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ (giá trị hợp lý): 10 tỷ
100 tỷ
Tại thời điểm mua, công ty con có số dư tiền là 12 tỷ
Chỉ tiêu “Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được trình bày là 18 tỷ (30 tỷ – 12 tỷ) bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
Phần 4: Điều chỉnh ảnh hưởng gián tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến các luồng tiền trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
1. Khi công ty con được mua hoặc bị thanh lý trong kỳ thì số đầu kỳ và số cuối kỳ trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất của toàn tập đoàn không nhất quán, công ty mẹ phải thực hiện những điều chỉnh phù hợp cho số liệu đầu kỳ khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.
2. Việc điều chỉnh số dư tài sản đầu kỳ khi mua và thanh lý công ty con trong kỳ được thực hiện như sau:
– Cộng thêm số dư tài sản và nợ phải trả của công ty con được mua trong kỳ theo số liệu tại thời điểm mua;
– Loại trừ số dư tài sản và nợ phải trả của công ty con được thanh lý trong kỳ theo số liệu tại thời điểm thanh lý.
Ví dụ: Dưới đây là thông tin được lấy từ Bảng cân đối kế toán hợp nhất của công ty Mẹ, biết rằng toàn bộ TSCĐ hữu hình mua trong kỳ đã được thanh toán bằng tiền.
Số cuối kỳ Số đầu kỳ
TSCĐ hữu hình 15tỷ 12tỷ
a) Nếu Công ty mẹ không mua hoặc thanh lý công ty con trong kỳ và toàn bộ giá trị TSCĐ hữu hình mua đã được trả bằng tiền thì chỉ tiêu “Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác” trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất sẽ được trình bày là 3 tỷ.
b) Nếu công ty mẹ có mua một công ty con trong kỳ, tại ngày mua công ty con có giá trị TSCĐ hữu hình được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán là 2 tỷ thì giá trị TSCĐ hữu hình mua trong kỳ được trình bày trong chỉ tiêu “Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác” trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất sẽ được xác định như sau:
– Giá trị TSCĐ hữu hình đầu kỳ 12 tỷ
– Giá trị TSCĐ hữu hình tăng từ việc mua công ty con 2 tỷ
– Tổng giá trị TSCĐ hữu hình đầu kỳ được điều chỉnh 14 tỷ
– Giá trị TSCĐ hữu hình cuối kỳ 15 tỷ
– Tiền mua TSCĐ hữu hình trong kỳ 1 tỷ
Mặc dù tổng giá trị TSCĐ hữu hình tại thời điểm cuối kỳ đã tăng thêm 3 tỷ so với thời điểm đầu kỳ nhưng tập đoàn thực sự không bỏ ra 3 tỷ để mua TSCĐ hữu hình vì 2 tỷ giá trị TSCĐ hữu hình tăng thêm là phát sinh từ việc mua công ty con (Tập đoàn không mua đất mà mua công ty con).
c) Ngoài các thông tin đã được cung cấp trong phần (a) và (b), trong kỳ công ty mẹ còn thanh lý một công ty con. Tại ngày thanh lý, giá trị TSCĐ hữu hình của công ty con là 3 tỷ.Chỉ tiêu “Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác” sẽ được xác định như sau:
– Giá trị TSCĐ hữu hình đầu kỳ 12 tỷ
– Giá trị TSCĐ hữu hình tăng từ việc mua công ty con 2 tỷ
– Giá trị TSCĐ hữu hình giảm từ việc bán công ty con (3)tỷ
– Tổng giá trị TSCĐ hữu hình đầu kỳ được điều chỉnh 11 tỷ
– Giá trị TSCĐ hữu hình cuối kỳ 15 tỷ
– Tiền mua TSCĐ hữu hình trong kỳ 4 tỷ
Chỉ tiêu “Tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ” không có số liệu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất vì thực chất tập đoàn không bán TSCĐ hữu hình, tập đoàn chỉ thanh lý công ty con.
Kế toán Ytho đã gởi đến các bạn bài học: Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất. Nếu các bạn có những vướng mắc về bài học: Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất vui lòng để lại bình luận để mọi người cùng tham khảo nhé.