Sự thay đổi của bảng cân đối kế toán
Bài giảng này bàn về “Sự thay đổi của bảng cân đối kế toán”. Bài trước, chúng ta đã biết được cấu trúc của bảng cân đối kế toán, liệu rằng có sự thay đổi gì trong nó. Cùng tìm hiểu nhé!
Trước hết có 2 ý các bạn cần nắm được:
• Sự thay đổi của bảng cân đối kế toán chính là sự thay đổi về giá trị của các loại tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu được trình bày trên bảng cân đối kế toán.
• Các con số này sẽ thay đổi theo từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhưng sự cân bằng giữa tài sản và nguồn vốn bao giờ cũng được tôn trọng. Sự thay đổi của từng đối tượng cụ thể trong bảng cân đối kế toán luôn luôn có tính 2 mặt (tăng lên hoặc giảm xuống) và bao giờ cũng diễn ra trong mối liên hệ chặt chẽ với các đối tượng khác.
Sự thay đổi của bảng cân đối kế toán
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị tài sản và nguồn vốn thường xuyên thay đổi do chịu ảnh hưởng của các hiện tượng kinh tế phát sinh do đó bảng cân đối kế toán cũng có sự thay đổi tương ứng.
1. Trường hợp 1
Một nghiệp vụ kinh tế phát sinh ảnh hưởng đến các khoản thuộc phần tài sản của bảng bảng cân đối kế toán nó làm cho khoản này tăng lên thì khoản kia giảm xuống.
Ví dụ: Chi tiền mặt 20.000.000 mua nguyên vật liệu Lúc này tiền mặt giảm: 20.000.000 Nguyên vật liệu tăng: 20.000.000 Trường hợp này số tổng cộng của bảng cân đối kế toán không thay đổi, chỉ có tỷ trọng của các khoản thuộc tài sản chịu ảnh hưởng của nghiệp vụ kinh tế phát sinh thay đổi.
2. Trường hợp 2
Nghiệp vụ kinh tế phát sinh ảnh hưởng đến các khoản thuộc phần nguồn vốn của bảng cân đối kế toán nó làm cho khoản này tăng lên thì khoản kia giảm xuống
Ví dụ: Vay ngắn hạn ngân hàng trả tiền nhà cung cấp 100.000. Lúc này Vay ngắn hạn tăng: 100.000 Phải trả người bán giảm: 100.000 Trong trường hợp này số tổng cộng của bảng cân đối kế toán không thay đổi, chỉ có tỷ trọng của các khoản thuộc nguồn vốn chịu ảnh hưởng của nghiệp vụ kinh tế phát sinh thay đổi.
3. Trường hợp 3
Nghiệp vụ kinh tế phát sinh sẽ làm ảnh hưởng đến hai khoản, một thuộc tài sản và mộ thuộc nguồn vốn. Nếu nó làm cho một khoản của tài sản tăng lên thì khoản thuộc nguồn vốn tăng tương ứng.
Ví dụ: Mua hàng hóa chưa thanh toán cho nhà cung cấp 30.000. Lúc này hàng hóa tăng: 30.000. Phải trả người bán tăng: 30.000. Trong trường hợp này số tổng cộng của bảng cân đối kế toán tăng đồng thời tỷ trọng của các khoản thuộc tài sản và nguồn vốn cũng thay đổi.
4. Trường hợp 4
Nghiệp vụ kinh tế phát sinh sẽ làm ảnh hưởng đến hai khoản: Một thuộc tài sản và một thuộc nguồn vốn. Nếu nó làm cho một khoản của tài sản giảm xuống thì khoản thuộc nguồn vốn chịu ảnh hưởng cũng giảm xuống tương ứng.
Ví dụ: Chi tiền mặt 50.000 trả nợ vay ngắn hạn. Lúc này tiền mặt giảm: 50.000 Vay ngắn hạn: 50.000 Trường hợp này số tổng cộng của bảng cân đối kế toán giảm xuống đồng thời tỷ trọng của các khoản thuộc tài sản và nguồn vốn cũng thay đổi. Tóm lại, dù cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị có bao nhiêu nghiệp vụ kinh tế phát sinh với những nội dung phức tạp như thế nào đi nữa thì tổng tài sản vẫn bằng với nợ phải trả và nguồn vốn của chủ sở hữu. Đây là tính chất cơ bản của bảng cân đối kế toán.
Nhận xét:
• Một nghiệp vụ kinh tế phát sinh ảnh hưởng ít nhất đến hai khoản thuộc bảng cân đối kế toán.
• Nghiệp vụ kinh tế phát sinh ảnh hưởng đến hai khoản thuộc một bên của bảng cân đối kế toán (tài sản hoặc nguồn vốn) thì số tổng cộng của bảng cân đối kế toán không đổi, nhưng tỷ trọng của các khoản chịu ảnh hưởng của nghiệp vụ kinh tế đó thay đổi.
• Nghiệp vụ kinh tế phát sinh ảnh hưởng đến hai khoản thuộc tài sản và nguồn vốn, thì số tổng cộng của bảng cân đối kế toán thay đổi (tăng lên hoặc giảm xuống), tỷ trọng của các khoản thuộc bảng cân đối kế toán đều có sự thay đổi.
• Mọi Nghiệp vụ kinh tế phát sinh đều không làm mất đi tính chất cân đối của bảng cân đối kế toán.
Chúc bạn có những thời gian với YTHO thật vui vẻ. Bất kì câu hỏi nào, dù không có trong bài giảng của chúng mình, bạn hãy cứ comment, chúng mình sẽ trả lời và tìm hiểu cùng bạn.