Trình bày báo cáo tài chính
Trình bày báo cáo tài chính được quy định và hướng dẫn rõ ràng trong chuẩn mực kế toán Việt Nam và thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính.
Trình bày báo cáo tài chính ở đây được hiểu là trình bày tuân thủ các quy định hiện hành, chứ không phải cách lập và điền từng chỉ tiêu lên báo cáo tài chính như thế nào, phần lập và điền từng chỉ tiêu lên báo cáo tài chính sẽ được chúng tôi hướng dẫn ở các bài giảng tiếp theo.
Chúng tôi xin được cụ thể hóa như sau:
1. Báo cáo tài chính phải trình bày một cách trung thực và hợp lý tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Để đảm bảo yêu cầu trung thực và hợp lý, các báo cáo tài chính phải được lập và trình bày trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định có liên quan hiện hành. Điều này cần được doanh nghiệp nêu rõ trong phần thuyết minh báo cáo tài chính
+ Trường hợp doanh nghiệp sử dụng chính sách kế toán khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam, không được coi là tuân thủ chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành mặc dù đã thuyết minh đầy đủ chính sách kế toán cũng trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.
+ Để lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực và hợp lý, doanh nghiệp phải:
Lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán
Trình bày các thông tin, kể cả các chính sách kế toán, nhằm cung cấp thông tin phù hợp, đáng tin cậy, so sánh được và dễ hiểu;
Cung cấp các thông tin bổ sung khi quy định trong chuẩn mực kế toán không đủ để giúp cho người sử dụng hiểu được tác động của những giao dịch hoặc những sự kiện cụ thể đến tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trình bày báo cáo tài chính theo thông tư 200
Lựa chọn chính sách kế toán
2. Doanh nghiệp phải lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính phù hợp với quy định của từng chuẩn mực kế toán. Trường hợp chưa có quy định ở chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hiện hành, thì doanh nghiệp phải căn cứ vào chuẩn mực chung để xây dựng các phương pháp kế toán hợp lý nhằm đảm bảo báo cáo tài chính cung cấp được các thông tin đáp ứng các yêu cầu sau:
a/ Thích hợp với nhu cầu ra các quyết định kinh tế của người sử dụng;
b/ Đáng tin cậy, khi:
– Trình bày trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp;
– Phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện không chỉ đơn thuần phản ánh hình thức hợp pháp của chúng;
– Trình bày khách quan, không thiên vị;
– Tuân thủ nguyên tắc thận trọng;
– Trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu.
3. Chính sách kế toán bao gồm những nguyên tắc, cơ sở và các phương pháp kế toán cụ thể được doanh nghiệp áp dụng trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính.
4. Trong trường hợp không có chuẩn mực kế toán hướng dẫn riêng, khi xây dựng các phương pháp kế toán cụ thể, doanh nghiệp cần xem xét:
a. Những yêu cầu và hướng dẫn của các chuẩn mực kế toán đề cập đến những vấn đề tương tự và có liên quan;
b. Những khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện xác định và ghi nhận đối với các tài sản, nợ phải trả, thu nhập và chi phí được quy định trong chuẩn mực
c. Những quy định đặc thù của ngành nghề kinh doanh chỉ được chấp thuận khi những qui định này phù hợp với các điểm (a) và (b) của đoạn này.
Việc trình bày báo cáo tài chính phải tuân thủ nhiều quy định là chuyện đương nhiên, như thế thì mới có sự thống nhất trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế để trình bày báo cáo tài chính tuân thủ tất cả những quy định này không phải là chuyện dễ dàng, khi thực hiện các doanh nghiệp không làm sai cái này thì làm sai cái khác. Các bạn kế toán cần phải đi học nhiều hơn về trình bày báo cáo tài chính và các kiến thức kế toán có liên quan để lập báo cáo tài chính cho đúng để báo cáo ra bên ngoài.