Giỏ hàng

Vấn đề người lao động nghỉ ngang và cách chốt sổ BHXH khi doanh nghiệp không đóng đủ tiền BHXH

Hiện nay, vấn đề người lao động nghỉ ngang và cách chốt sổ BHXH khi doanh nghiệp không đóng đủ tiền BHXH đang là chủ đề nóng bỏng.

Từ khi có quy định của bộ luật hình sự mới, bộ luật hình sự 2015, khi doanh nghiệp không tham gia BHXH đầy đủ và không chốt sổ BHXH thì bị kiện ra tòa. Các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và có hàng trăm lao động thì vấn đề này thường xuyên xảy ra.

Người lao động nghỉ ngang mà không thông báo với doanh nghiệp, mang đến thiệt hại cho doanh nghiệp, quy định cụ thể của các vấn đề liên quan này như thế nào?

Theo quy định tại Điều 43 Bộ luật lao động 2012:

Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

  1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
  2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
  3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 47 Bộ luật lao động 2012 thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng có nghĩa vụ như sau:

“Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

  1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
  2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
  3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.

Như vậy, trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội thuộc về người sử dụng lao động không phụ thuộc vào việc người lao động nghỉ việc đúng quy định hay không. Trong trường hợp người sử dụng lao động cố tình không trả lại sổ BHXH cho người lao động thì người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Công đoàn hoặc thanh tra lao động Sở lao động – thương binh và xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội để cơ quan này giải quyết buộc người sử dụng lao động thực hiện chốt và trả lại sổ BHXH cho người lao động. Ngoài ra, cũng có thể trực tiếp khởi kiện ra Tòa án quận/huyện nơi công ty đặt trụ sở.

Trong trường hợp doanh nghiệp nợ tiền BHXH và không có khả năng chi trả thì như thế nào? Theo hướng dẫn của công văn 2266/BHXH-BT thì

a) Doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động.

b) Đối với doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ BHXH, BHYT, nếu giám đốc doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH, thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết.

Tham khảo thêm:  Tư vấn các vấn đề về bảo hiểm xã hội